PHÁT TRIỂN TÍNH TỰ LẬP CHO TRẺ 3-6 TUỔI - Trường mầm non Hoạ Mi - Ban Mê Thuột

Nóng

PHÁT TRIỂN TÍNH TỰ LẬP CHO TRẺ 3-6 TUỔI

 

PHÁT TRIỂN TÍNH TỰ LẬP CHO TRẺ 3-6 TUỔI TẠI GIA ĐÌNH

Mong muốn con mình được tự do hơn có lẽ là một vấn đề mà hầu hết cha mẹ quan tâm và lựa chọn. Tuy nhiên trong chúng ta ai đã thực sự biết cách giúp con mình có được tự do thực sự?  Và chúng ta có thể làm gì tại gia đình để giúp em đạt đến sự tự lập trong giai đoạn đầu đời này? Sau đây là một vài chia sẻ về  phát triển tính tự lập từ sớm cho trẻ 3-6 tuổi tại gia đình, góp phần xây dựng nền tảng  hình thành nhân cách sau này của em.

Chúng ta biết rằng, trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 6  giai đoạn phát triển mạnh mẽ cả về thể chất, tư duy lẫn cảm xúc. Đây là thời điểm vàng để giúp trẻ xây dựng nền tảng vững chắc cho sự độc lập và tự chủ.  Thực vậy trong giai đoạn này, trong em tồn tại một năng lực nội tại mạnh mẽ trong trẻ kích thích sự hoàn thiện bản thân. Bác sĩ Marria Montessori tin rằng mỗi đứa trẻ đều mang trong mình năng lực tự nhiên để phát triển. Trong giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi, trẻ có động lực nội tại rất lớn, luôn muốn thực hiện và hoàn thành công việc của mình. Khi được tạo cơ hội, em sẽ tự tin hơn trong việc thử thách bản thân và đạt được sự hoàn thiện cá nhân.

Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn xuất hiện trẻ tâm trí thâm hút và giai đoạn nhạy cảm về ngôn ngữ, vận động. Ở độ tuổi này, tâm trí của trẻ hoạt động như một “miếng bọt biển”, dễ dàng hấp thụ và học hỏi từ môi trường xung quanh. Trẻ đang trải qua các giai đoạn nhạy cảm về ngôn ngữ, vận động, và sự phát triển xã hội. Khi trẻ được khuyến khích thực hiện các hoạt động độc lập, trí tuệ và kỹ năng vận động của trẻ sẽ phát triển đồng thời, tạo nền tảng cho việc học tập lâu dài.

Cha mẹ chúng ta hãy mạnh dạn hơn khi cho trẻ thực hiện các hoạt động tự lập tại gia đình vì vận động một cách tự lập sẽ giúp em hoàn thiện tri thứcViệc cho phép trẻ tự mình thực hiện các nhiệm vụ đơn giản trong cuộc sống hàng ngày không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng tự phục vụ mà còn góp phần vào việc phát triển trí tuệ. Khi vận động, trẻ được dùng giác quan trực tiếp tiếp xúc với sự vật hiện tượng và có kinh nghiệm về nó. Em học cách suy nghĩ, giải quyết vấn đề và hình thành những kết nối tư duy sâu sắc thông qua việc thực hiện những hành động thực tế, đồng thời, tri thức của em được gia tăng.

Hoạt động độc lập cũng là một cách xây dựng lòng tự trọng và tự tin nơi trẻ. Khi trẻ tự hoàn thành các nhiệm vụ hàng ngày, dù là nhỏ nhất, trẻ sẽ cảm thấy tự hào và dần hình thành lòng tự trọng. Qua việc tự làm và nhận ra mình có khả năng, trẻ trở nên tự tin hơn và biết trân trọng những thành quả mà mình đạt được. Đồng thời, khi đối diện những trải nghiệm mới, trẻ sẽ không còn cảm thấy sợ hãi, nhưng thích thú thực hiện nhiệm vụ của mình.

Khi được tự mình thực hiện các thao tác vận động trẻ muốn, trẻ sẽ học được cách chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Khi trẻ được khuyến khích tự giải quyết vấn đề, em học cách hiểu rằng mọi việc làm đều có kết quả, từ đó trẻ sẽ trở nên có trách nhiệm hơn.

Tự tìm cách  xử lí vấn đề cũng là cơ hội rèn luyện tính kiên nhẫn, yếu tố quan trọng cho nhân cách sau này của em. Chúng ta biết rằng, tự lập không phải là quá trình dễ dàng và trẻ sẽ gặp những khó khăn ban đầu. Vì bao giờ trẻ cũng sẽ thấy khó khăn khi tiếp xúc và trải nghiệm với sự vật và tình huống trong những lần đầu tiên. Tuy nhiên, điều này lại giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn. Thông qua việc đối mặt và vượt qua thử thách, trẻ học cách chấp nhận những thất bại nhỏ và tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu.

Vậy, cha mẹ có thể làm gì để giúp cho con mình có thể tự lập tại chính gia đình của mình?

 Trước hết, chúng ta có thể thiết lập một môi trường thân thiện phù hợp với trẻ. Cha mẹ nên sắp xếp các vật dụng ở độ cao mà trẻ có thể dễ dàng tiếp cận, từ quần áo, sách vở cho đến đồ chơi. Môi trường gọn gàng, có tổ chức sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên,  người lớn chúng ta nên mẫu mực trong cách sắp xếp, để trẻ có thể “thấm hút” một cách hiệu quả những điều tốt nhất cho trẻ.

Ngoài ra, tạo điều kiện thêm cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên và môi trường xã hội cũng là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành tính tự lập cho trẻ. Thực vậy, thiên nhiên và môi trường xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng tầm hiểu biết và kinh nghiệm sống của em. Hãy cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời như trồng cây, tưới nước, hoặc khám phá môi trường xung quanh, hoạc cho trẻ đi đây đó cùng với ba mẹ. Điều này không chỉ giúp trẻ học hỏi qua trải nghiệm thực tế mà là động lực tự nhiên giúp trẻ tự khám phá bản thân và khám phá thế giới.

Ba mẹ có thể tạo nhiều cơ hội hơn để cho con mình tự lựa chọn trong cuộc sống hằng ngày. Người lớn chúng ta nên học sự tôn trọng sự lựa chọn cá nhân của trẻ. Hãy cho trẻ cơ hội tự quyết định từ những việc đơn giản như chọn quần áo, lựa chọn đồ chơi, hoặc quyết định thực hiện một nhiệm vụ. Việc đưa ra những lựa chọn này giúp trẻ học cách quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Bên cạnh đó, tin tưởng và kiên nhẫn hỗ trợ trẻ là một yếu tố không thể quên khi tập cho trẻ sự tự lập, nó giúp khuyến khích tính tự lập nơi trẻ. Khi trẻ gặp khó khăn, hãy để trẻ tự thử trước khi hỗ trợ, đồng thời giữ sự kiên nhẫn và không thúc ép. Nếu trẻ cần sự giúp đỡ, hãy hỏi trẻ có muốn điều đó không. Chúng ta cũng giúp trẻ nhận ra rằng những sai sót và thất bại là một phần tự nhiên của quá trình học hỏi. Ngoài ra, sự tin tưởng cũng thể hiện ở việc giúp hướng dẫn trẻ nhẹ nhàng, không làm thay. Khi trẻ gặp khó khăn, thay vì làm thay, ba mẹ hãy kiên nhẫn hướng dẫn trẻ cách tự làm. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tăng cường sự tự tin. Ví dụ, nếu trẻ đang cố gắng tự buộc dây giày, hãy chỉ cho trẻ từng bước một thay vì tự buộc giày cho em.

Chúng ta cũng không quên đặt kỳ vọng phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ba mẹ nên đặt kỳ vọng phù hợp với khả năng của trẻ, để trẻ không cảm thấy bị áp lực. Chúng ta cần biết rằng mục tiêu không phải là sự hoàn hảo mà là việc trẻ có thể tự mình cố gắng.Chúng ta sẵn sàng chấp nhận một chút bề bộn trong giai đoạn đầu khi trẻ mới tập làm quen với các hoạt động tự lập. Ví dụ, ta có thể yêu cầu trẻ 3 tuổi tự dọn dẹp đồ chơi, nhưng không nên đòi hỏi trẻ gấp đồ áo quá hoàn hảo. Hay bé tự xúc ăn trong giai đoạn đầu, chúng ta chấp nhận sự vương vãi trên bàn của em.

Một cách thiết thực và dễ dàng giúp trẻ có thêm cơ hội phát triển tính tự lập là khuyến khích trẻ tham gia các công việc gia đình. Những công việc đơn giản như tự rửa tay, tự dọn đồ ăn, tưới cây hay dọn bàn ăn là cách tuyệt vời để trẻ học hỏi. Đây không chỉ là cách để trẻ học tính tự lập mà còn giúp trẻ hiểu được giá trị của sự đóng góp vào gia đình, trẻ cảm thấy mình là một thành phần của gia đình, và cũng giúp em học hỏi tinh thần trách nhiệm, sự san chia và hòa nhập vào cộng đồng.

Tất cả những điều chúng ta cố gắng giúp trẻ sẽ hiệu quả gấp nhiều lần nếu chúng ta luôn làm gương cho trẻ. Tâm trí thấm hút  trong giai đoạn này sẽ giúp trẻ học thông qua việc quan sát và bắt chước. Khi cha mẹ thực hiện công việc với tinh thần tự lập và trách nhiệm, trẻ sẽ tự nhiên hấp thu, học theo và phát triển tính tự lập của mình một cách tự tin hơn.

Phát triển tính tự lập ở trẻ không chỉ là mục tiêu ngắn hạn mà còn là bước chuẩn bị quan trọng cho hành trình phát triển nhân cách sau này của em. Sự tự lập chắc chắn sẽ mang đến cho em một trải nghiệm chạm đến sự tự do trong giai đoạn đầu đời.  Sự tự lập được hướng dẫn một cách đúng đắn hiệu quả, sẽ tạo nền tảng cho sự tự tin và thành công sau này của trẻ. Vì vậy, hãy mang đến cho con của bạn những điều chúng thật sự cần. Chúc các ba mẹ luôn hạnh phúc vì nhìn thấy sự trưởng thành mỗi ngày của con.

Mầm Non Họa Mi