Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Đường lây truyền bệnh tay chân miệng chủ yếu là theo đường tiêu hóa. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh lưu hành quanh năm nhưng tập trung vào giai đoạn từ tháng 2 – 5 và từ tháng 9 – 12.
1. Các dấu hiệu của bệnh tay – chân – miệng
Việc đầu tiên ngoài chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ cha mẹ cũng cần biết cách nhận biết trẻ bị tay chân miệng để cách ly con với nguồn bệnh. Các trẻ bị tay chân miệng sẽ có biểu hiện:
– Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
– Tổn thương ở da thường là các dát đỏ. Mụn nước thường mọc ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
2. Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
Cho đến nay bệnh Tay chân miệng chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đặc hiệu Chính vì vậy tất cả những gì cha mẹ có thể làm cho con trẻ là chủ động phòng bệnh. Cách ly con với nguồn bệnh là cách hữu hiệu vào lúc này. Thực hiện vệ sinh tốt là cách phòng tránh bệnh trong cộng đồng:
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em). Rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
– Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín. Dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Tốt nhất nên tráng nước sôi các dụng cụ ăn uống. Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
– Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.
– Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày. Như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà. Tất cả nên được vệ sinh bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
– Vệ sinh sạch nhà cửa và các vật dụng trong nhà bằng chất diệt khuẩn mỗi 1 tuần 1 lần.
– Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
– Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
– Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
– Ngay cả khi trẻ đã khỏi bệnh vẫn phải duy trì các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng và theo dõi chặt các biểu hiện của trẻ để phát hiện kịp thời các vấn đề về sức khỏe của trẻ.
– Nếu nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ nên chủ động cho trẻ tạm nghỉ học và đưa trẻ đi khám.
– Nếu trong gia đình có người bị tay chân miệng nên cách lý trẻ và thực hiện ngay các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ.
Cách làm sạch đồ chơi của trẻ
– Các loại đồ chơi nói chung:
- Nên khử trùng đồ chơi của trẻ hằng ngày hoặc khử trùng vào mỗi buổi sáng trước khi trẻ bắt đầu chơi.
- Có thể sử dụng xà bông, cồn, nước… để làm sạch đồ chơi của trẻ.
– Đồ chơi có thể rửa được với nước:
- Nên ngâm đồ chơi với nước ấm và xà phòng, sau đó rửa sạch lại bằng nước sạch và hong khô.
- Với những đồ chơi quá bẩn có thể ngâm trong dung dịch thuốc tẩy pha loãng theo tỷ lệ 1:50, rửa sạch lại bằng nước và hong khô.
- Hoặc đơn giản hơn là lau bề mặt của đồ chơi bằng gạc có tẩm dung dịch cồn.
– Những loại đồ chơi không nhúng nước được có thể sử dụng cồn để lau rửa. Tốt nhất nên lưu ý lau những góc cạnh, các hốc, thậm chí các vết nứt vỡ trên đồ chơi.
Đặc biệt lưu ý: Tất cả các đồ chơi sau khi làm sạch phải được để khô ráo trước khi cho trẻ chơi. Nên lựa chọn những loại chất rửa ít độc hại, loại chất rửa từ tự nhiên là tốt nhất.
Hy vọng với những cách phòng tránh bệnh tay chân miệng chúng tôi vừa chia sẻ, cha mẹ có thể bảo vệ con yêu và gia đình trước dịch tay chân miệng.
BS Trần Hoài
BV Ung Bướu Nghệ An