Trong những năm gần đây, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các trường học được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đều quan tâm chỉ đạo thực hiện. Mặc dù việc xảy ra cháy, nổ trong các cơ sở trường học ít hơn nhiều so với tỉ lệ cháy nổ tại các hộ dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, song công tác PCCC tại các trường học còn nhiều thiếu sót bất cập và nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.. Do vậy, tổ chức công tác PCCC có vị trí vô cùng quan trọng, vừa góp phần đảm bảo an toàn PCCC trong nhà trường đồng thời cải tạo nhân sinh quan trong mỗi cá nhân về công tác đảm bảo an toàn PCCC.
I. Đặc điểm, Tính chất nguy hiểm cháy, nổ trong trường học
Hiện nay, trường ta đã được đầu tư cơ sở vật chất mới, được cải tạo lại với quy mô, các trang thiết bị và tiện nghi học tập, sinh hoạt tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Trường ta được chia thành nhiều khu riêng biệt như: khu nhà A, nhà B, nhà D, nhà E, khu vực để xe, nhà đa năng. Trường ta là nơi tập trung số lượng lớn học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên phục vụ, một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện và phục vụ quá trình học tập, sinh hoạt. Chất dễ cháy trong trường học như: chăn, giường chiếu, bàn ghế, đồ dùng dạy học, thiết bị điện tử...; Chất dễ bắt cháy như xăng trong khu vực nhà xe, khí dầu mỏ hóa lỏng như khu vực bếp ăn tập thể…
Nguồn nhiệt được tạo ra trong trường học bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như do sơ xuất trong việc dùng lửa để nấu thức ăn, để thực hành thí nghiệm, do vi phạm quy định về PCCC như hút thuốc,... Ngoài ngọn lửa trực tiếp gây ra cháy thì việc sử dụng các thiết bị điện cũng có thể làm phát sinh nguồn nhiệt. Quá trình sử dụng thiết bị điện quá công suất chịu tải của dây dẫn và các thiết bảo vệ, sử dụng sai quy định gây ra các hiện tượng quá tải, lâu ngày không kiểm tra đường dây dẫn điện nên bị chạm chập, quá tải, điện trở chuyển tiếp...
Trường học là đối tượng cần được tổ chức PCCC bởi trong trường học cháy có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào. Dựa vào tính chất sử dụng, các ngôi nhà công trình trong các trường được phân chia thành các khu vực khác nhau để tổ chức việc PCCC. Đánh giá nguy hiểm cháy trong trường học phân chia theo khu vực:
- Khu vực phòng học
+ Các chất cháy chủ yếu ở đây là bàn, ghế, chúng đều là chất dễ cháy, được phân bố trải dài trên nền và như vậy nguy hiểm cháy lan là rất lớn.
+ Nguồn nhiệt gây cháy được hình thành từ sự cố hệ thống điện (ngắn mạch, quá tải) từ các thiết bị tiêu thụ điện như thiết bị chiếu sáng trên trần nhà, hệ thống điều hòa, màn chiếu,…
- Phòng máy vi tính
Đây là nơi tập trung tài sản có giá trị lớn về kinh tế và khoa học kỹ thuật: Hệ thống máy vi tính, quạt, thiết bị điện phục vụ cho giảng dạy học tập và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, thông thường phòng máy vi tính được trang bị hệ thống bàn gỗ, giá kệ kê máy, do vậy tải trọng chất cháy tăng lên rất nhiều. Tại các phòng máy tính là nơi có nguy hiểm cháy cao bởi sự xuất hiện nguồn nhiệt do ngắn mạch, quá tải trên hệ thống dây dẫn điện. Đặc điểm nguy hiểm cháy xảy ra trong phòng máy vi tính khi các cháu chơi dễ dẫn đến hoảng loạn do sợ bị điện giật, do có nhiều khói khí độc tỏa ra khi cháy nhựa, bàn ghế trong điều kiện thiếu khí.
- Khu vực bếp ăn
Khu bếp ăn dùng để nấu ăn tập thể cho cán bộ giáo viên nhà trường, nấu ăn cho học sinh. Ở khu vực này thường xuyên tồn chứa lượng chất cháy lớn như khí dấu mỏ hóa lỏng, nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sinh hoạt và hầu hết đều là chất dễ cháy. Trong quá trình sử dụng ngọn lửa trần do đun nấu, sự cố thiết bị điện đều có thể làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy. Bên cạnh đó, ở vị trí bếp đun, do dầu, mỡ bám dính lên tường, hút mùi trở thành con đường lan truyền của ngọn lửa gây cháy lan nhanh chóng.
- Khu vực nhà xe
Khu vực nhà xe thường có ở các trường phục vụ việc để các loại phương tiện đi lại của giáo viên, phụ huynh, học sinh. Lượng xe nhiều đồng nghĩa với nguy hiểm cháy nổ cao bởi trong xe chứa lượng nhiên liệu là chất dễ cháy và bên cạnh đó phần nhựa trên xe cũng là chất dễ cháy. Nguồn nhiệt hình thành trong nhà xe có thể do hút thuốc, do sự cố điện trên các xe hoặc sự cố hệ thống điện chiếu sáng, bảo vệ gây cháy. Khi có cháy xảy ra hầu hết các xe trong ga ra đều bị bắt cháy, tốc độ cháy lan lớn do đường ống dẫn nhiên liệu của xe bằng nhựa bắt cháy.
II. Những nguy cơ gây cháy, nổ trong trường học
Nguyên nhân gây cháy trường học có rất nhiều loại khác nhau như do cháy lan từ nơi khác đến,do vi phạm quy định về PCCC; do sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt…
III. Các biện pháp phòng cháy trong trường học
Trường học là nơi thường xuyên tập trung đông người, đặc biệt là các em học sinh nam rất hay hút thuốc lá. Do vậy, việc tổ chức công tác PCCC, đảm bảo an toàn PCCC cho người và tài sản tránh mọi khả năng gây ra cháy là một vấn đề rất cần thiết. Để đảm bảo an toàn PCCC công tác PCCC phải được coi trọng, cụ thể:
- Thực hiện đầy đủ thẩm duyệt thiết kế PCCC, kiểm tra trong quá trình thi công tác hạng mục PCCC, nghiệm thu, đến quá trình sử dụng.
- Trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy ban đầu như: bình khí CO2, bình bột chữa cháy để đảm bảo về chất lượng và số lượng, luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
- Trường học phải có nội quy PCCC, phương án chữa cháy, phương án thoát nạn cho trẻ em và học sinh khi có cháy xảy ra. Phương án phải được tổ chức học tập, diễn tập, tổ chức rút kinh nghiệm. Hàng năm khi có sự thay đổi, hoăc sau mỗi lần thay đổi phải được bổ xung ngay vào phương án cho phù hợp.
- Khu nhà nhiều tầng nên có bảng chỉ dẫn trên đường thoát nạn trên lối và đường thoát nạn.
- Cấm sử dụng điện tùy tiện.
- Các em học sinh không được nghịch lửa, diêm, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt trong trường.
- Yêu cầu đối tượng sử dụng phải kiểm tra ngắt hết điện trước khi đóng cửa. Lực lượng bảo vệ nhà trường có trách nhiệm kiểm tra lại.
- Đối với phòng máy vi tính
+ Tại các phòng máy tính phải có nội quy quy định việc sử dụng máy tính trong học tập, nghiên cứu.
+ Có chế độ kiểm tra định kỳ phát hiện những khuyết tật có thể dẫn đến sự cố phát sinh nguồn nhiệt gây cháy của hệ thống thiết bị máy tính và hệ thống thiết bị điện.
+ Khi lắp đặt thêm các thiết bị điện như máy tính, điều hòa, máy hút ẩm… phải tính toán đến khả năng chịu tải của dây dẫn.
+ Cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa cháy.
+ Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động cho phòng máy tính.
+ Tại mỗi phòng máy tính phải có quy định an toàn PCCC.
- Đối với khu vực bếp ăn
+ Tại các bếp ăn phải có các nội quy, quy định về PCCC, quy trình vận hành đường ống khí dầu mỏ hóa lỏng.
+ Khu vực để bình chứa khí dầu mỏ hóa lỏng phải thông thoáng, cao hơn khu vực xung quanh, có tường bảo vệ. Thường xuyên kiểm tra khả năng chịu áp, hệ thống van khóa của đường ống cấp khí.
+ Hệ thống điện chiếu sáng và sử dụng đun nấu phải được tính toán, có thiết bị bảo vệ trên mỗi hệ thống.
+ Cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa cháy phù hợp cho từng khu vực trong bếp ăn, căng tin.
+ Người làm việc ở khu vực bếp ăn phải có kiến thức PCCC, sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC.
+ Tại mỗi bếp ăn phải có quy định an toàn PCCC.
- Đối với khu vực nhà xe
+ Lực lượng bảo vệ phải thường xuyên canh gác, giám sát các xe trong khu vực nhà xe. Kiểm tra tình trạng chủ xe quên chìa khóa trên xe. Chủ động xử lý tình huống phát sinh cháy nổ trong ga ra xe.
+ Hệ thống điện phải an toàn phải được tính toán, có thiết bị bảo vệ trên mỗi hệ thống.
+ Cần trang bị các loại bình bột chữa cháy trong ga ra xe, treo ở vị trí dễ thấy, dễ lấy.
+ Tại nhà xe phải có quy định an toàn PCCC.
- Khi có cháy xảy ra phải chủ đông thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Triển khai toàn bộ lực lượng, phương tiện chữa cháy hiện có để chủ động khống chế dập tắt đám cháy.
IV. Các biện pháp chữa cháy trong trường học
4.1. Khi chữa cháy cần chú ý:
- Đảm bảo an toàn cho người tham gia chữa cháy
- Ngắt điện khu vực xảy ra cháy.
- Sử dụng các phương tiện chữa cháy, bảo hộ hiện có tại cơ sở; đặc biệt là hệ thống chữa cháy được lắp đặt tại cơ sở.
- Thông báo cho mọi người biết có cháy xảy ra. Báo cháy 114.
- Người được giao nhiệm vụ ngăn chặn cháy lan và thoát khói sẽ sử dụng những thiết bị cần thiết (thiết bị thở trong môi trường đám cháy, búa, rìu phá dỡ…) và chọn những vị trí hợp lý trên cơ sở hướng gió để phá dỡ cấu kiện xây dựng nhằm thoát khói. Sử dụng tia nước đặc từ các lăng chữa cháy để ngăn chặn sự lan truyền của đám cháy, kết hợp phun mưa để làm mát chiến sỹ trực tiếp đứng chữa cháy và làm mát cấu kiện xây dựng.
- Khi tham gia chữa cháy cần phải chú ý không gây cản trở đến quá trình thoát nạn. Việc triển khai các đội hình chữa cháy có thể được thực hiện qua các cầu thang bộ hở hoặc triển khai ngoài nhà qua ban công.
4.2. Các biện pháp kỹ thuật an toàn:
- Hướng dẫn mọi người thoát nạn an toàn. Cần lưu ý hướng dẫn mọi người di chuyển từ tầng trên xuống dưới, tập kết mọi người thành khối cán bộ, giáo viên, lớp học sinh, sinh viên. Trong trường hợp khẩn cấp không thoát được theo cầu thang thì hướng dẫn thoát ra các lối ra ban công, ra mái và thông báo mọi người biết để ứng cứu.
- Thực hiện công tác cứu người bị nạn như cấp cứu người bị nạn.
- Lực lượng PCCC cơ sở phải tổ chức triển khai phương tiện chữa cháy đã được trang bị.
- Sử dụng bình chữa cháy để dập cháy. Bình chữa cháy được phân bố rải rác trên khắp diện tích trường học. Khi phát hiện có cháy xảy ra, cán bộ, giáo viên đều phải chủ động lấy bình dập tắt đám cháy.
- Sử dụng nước để chữa cháy. Triển khai các họng nước chữa cháy (nếu có) tấn công dập tắt ngọn lửa, ngăn chặn cháy lan. Lưy ý, chỉ triển khai nước chữa cháy khi đảm bảo rằng hệ thống điện đã được ngắt và trong trường hợp phòng máy tính, thư viện không còn phương tiện bình chữa cháy để dập cháy.
- Dùng chăn chữa cháy để dập cháy phủ kín toàn bộ diện tích đám cháy và miết kín xung quanh.
Người tuyên truyền: Nguyễn Thị Phúc
Duyệt: Nguyễn Thị Huệ.