Dạy đạo đức cho trẻ nhỏ từ đâu? - Trường mầm non Hoạ Mi - Ban Mê Thuột

Nóng

Dạy đạo đức cho trẻ nhỏ từ đâu?

“Người lớn dạy trẻ con theo 3 cách quan trọng: cách thứ nhất là làm gương, cách thứ hai là làm gương, cách thứ ba là làm gương”, nhà triết học, thần học người Đức Albert Schweitzer (1875 – 1965) đúc kết.
Gần đây, dư luận xã hội tỏ ra cực kỳ lo lắng và hoang mang cho rằng đạo đức của giới trẻ, nhất là thanh thiếu niên, đang tuột dốc thảm hại, thậm chí có người còn nói nó đang “suy đồi”.
Nhận định trên tuy có hơi “bi quan” nhưng không phải không có căn cứ, bằng chứng là gần đây trong cộng đồng xảy ra rất nhiều chuyện liên quan. Ví dụ, cách đây không lâu, mọi người đã được xem qua đoạn video clip ghi lại hình ảnh một nữ sinh vừa đánh tới tấp vào mặt một nữ sinh khác vừa chửi tục rất “chị đại”, trong khi đó, đám đông học sinh vây quanh với thái độ vô cảm đến ngạc nhiên. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra trong học sinh, mà còn có những vụ hành hung cả thầy cô giáo. Hay các trường hợp học sinh cấp hai vô tư ôm ấp, hun hít nhau giữa “thanh thiên bạch nhật”. Chuyện các bạn trẻ sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng, chuyện ngang nhiên quan hệ tình dục nơi công cộng, chuyện tham gia các trò chơi dung tục… Kinh khủng hơn, trẻ vị thành niên còn gây ra nhiều vụ án mạng: con giết cha, anh giết em… 
Giáo dục nêu gương là cha mẹ hãy làm tốt điều mình muốn con sẽ sống như vậy
Còn bao nhiêu chuyện liên quan đến sự xuống cấp đạo đức của các bạn trẻ hằng ngày được phản ánh liên tục trên các phương tiện truyền thông, hỏi sao không lo lắng?
Có rất nhiều nguyên nhân góp phần tạo nên “vòng xoáy tốc độ” đẩy cổ xe đạo đức ngày càng lao nhanh xuống vực. Các nguyên nhân xa - gần, chủ quan - khách quan, đã được rất nhiều chuyên gia chỉ ra. Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến một nguyên nhân chưa (hoặc ít) được ghi nhận. Đó là tấm gương người lớn.
Hằng ngày, xem tin tức thời sự trên ti vi, trẻ thường xuyên nhìn thấy cảnh người lớn ra tòa vì tham nhũng, vì hiếp dâm hay lạm dụng tình dục, vì cướp của, giết người hàng loạt… Đọc báo, trẻ chứng kiến những trận cuồng ghen khiến chồng tưới xăng đốt vợ, khiến vợ đang tâm cắt phăng “của quý” của chồng, cảnh con cái giết mẹ ruột, cha ruột của mình, cảnh anh em vì tranh nhau một chút “hương hỏa” cũng đánh giết nhau…
Tận mắt quan sát xung quanh, trẻ cũng không khỏi nhìn thấy những tấm gương xấu của người lớn nhản nhản khắp nơi. Đừng nói đâu xa, nhiều gia đình, người đàn ông trụ cột làm ăn thì qua quýt, sáng tối say sưa bét nhè, có rượu vào lại đè vợ con ra mà thượng cẳng tay hạ cẳng chân không thương tiếc. Có bà mẹ, suốt ngày cờ bạc, đánh đề. Những chuyện như vậy không hiếm trong các gia đình lao động, ít học.
Còn đối với các gia đình trí thức, giàu có? Các ông thì bia ôm bia ấp (núp bóng danh nghĩa tiếp khách), các bà suốt ngày tụ năm, tụ bảy nhảy nhót, ưỡn ẹo (núp bóng thể dục thẩm mỹ). Tệ nạn ngoại tình thì đầy rẫy khắp nơi không phân biệt trai gái, trẻ già, giàu nghèo, giai cấp, thứ bậc. Mại dâm cao cấp, hạ cấp, gái gọi, gái bao…
Trẻ bị bạo hành lớn lên sẽ hành xử bạo lực với người khác
Ôi thôi không kể xiết. Người lớn đang làm những việc như thế trước mắt trẻ con thì hỏi còn dạy dỗ chúng ra làm sao?
Trong nhà, cha mẹ bài bạc rượu chè, ắt con cũng sẽ “noi theo”. Anh chị trai gái, quan hệ tình dục bừa bãi, chắc chắn không thể dạy dỗ em út. Con mà đi vũ trường quán bar, gặp bố dắt bồ vào trong đó thì bố chỉ còn có nước con “đòi gì cho nấy”. Mẹ suốt ngày đàn đúm chơi bời, con gái “sao nỡ” ở nhà lau chùi quét dọn , cơm nước…
Tôi biết một trường hợp có thật xảy ra trong xóm tôi cách đây nhiều năm. Số là anh nọ chuyên đá gà “kiếm cơm”, thằng bé con trai vừa lên năm, sáu tuổi, anh đã tập cho nó ôm gà theo anh đi đá. Mười mấy năm sau thằng bé lớn lên, cờ bạc quen thói, mấy lần sang Campuchia đánh bạc thua sạch túi, bị bắt làm con tin. Bố mẹ lo tiền chuộc bận này, lại bị nó lừa bận khác. Lần cuối cùng không còn tiền chuộc, ông bố đành để thằng con bị xã hội đen chặt mất một ngón tay.
Tóm lại, một trăm trang sách đạo đức, một ngàn lời giáo huấn giáo điều không bằng hằng ngày trẻ nhìn thấy tấm gương của người lớn xung quanh.
Vậy dạy đạo đức cho trẻ từ đâu? Xin thưa: từ tấm gương của người lớn.
Nguồn http://thegioitiepthi.vn