Đừng quên hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo - Trường mầm non Hoạ Mi - Ban Mê Thuột

Nóng

Đừng quên hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo



Như ta đã biết, đối với trẻ thơ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mầm non, thì hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo, chiếm nhiều thời gian đối với trẻ. Thông qua hoạt động vui chơi, trẻ rèn luyện phát triển cơ thể, nhận biết về thế giới xung quanh, phát triển trí tuệ, óc phán đoán, suy luận, khả năng quan sát nhanh nhạy... Khi chơi trò chơi, trẻ thấy mình đang được vui chơi, nên rất hào hứng và sôi nổi, nhưng thực chất trẻ đang lĩnh hội được một kiến thức mà cô giáo cung cấp cho trẻ một cách tích cực và nhanh nhất.
Nhưng chơi cái gì? Và chơi như thế nào để mang lại hiệu quả giáo dục tích cực như mong muốn đối với trẻ mầm non đang là một vấn đề lớn, thách thức sự suy nghĩ của các nhà giáo dục.
Thực sự, các nhà giáo dục băn khoăn, loay hoay đi tìm một phương pháp giáo dục trẻ em mang lại hiệu quả trong thời đại mà thông tin bùng nổ và kĩ thuật điện tử xâm nhập đến từng mái trường, từng gia đình, từng trẻ em. Làm sao có thể yên tâm với con em mình khi chúng hằng ngày vòi vĩnh tiền bạc của cha mẹ để xúm xít bên những trò chơi điện tử, những món đồ chơi bằng pin mang nhiều hình ảnh bạo lực?
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã lãng quên một phương pháp giáo dục đầy hiệu quả mà chúng ta có sẵn: đó là trò chơi dân gian. Riêng về lĩnh vực giáo dục, kho tàng này cung cấp nội dung và phương pháp giáo dục tương đối rõ ràng và đầy đủ. Cả kho tàng phong phú ấy là phương tiện giáo dục năm mặt phát triển cho trẻ em. Qua đó phát triển tâm lí, thể lực, trí tuệ và nhân cách trong tương lai.

Vì trẻ không chỉ cần được chăm sóc sức khoẻ, được học tập, mà quan trọng là trẻ cần phải được thoã mãn nhu cầu vui chơi. Và những trò chơi dân gian đã đến với trẻ một cách nhẹ nhàng theo kiểu “Học bằng chơi, chơi bằng học”.
 Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu xã hội ngày càng cao, trẻ phát triển mạnh nhưng nhu cầu được vui chơi là không thể thiếu. Đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của mọi người, đồ chơi, trò chơi đối với trẻ không ngừng phát triển về số lượng, chủng loại, các trò chơi điện tử, đồ chơi Trung Quốc với những mẫu mã đẹp lôi cuốn trẻ xuất hiện tràn ngập làm cho trẻ dần mất đi khái niệm về các trò chơi, đồ chơi dân gian. 
   Trò chơi dân gian có đặc thù là dụng cụ có thể tự làm được, vật dụng dễ kiếm, không tốn kém, chơi ở đâu cũng được, lúc nào cũng được. Các trò chơi như đánh chuyền, ô ăn quan, trốn tìm…cho đến các trò chơi kết hợp với hát đồng dao như thả đĩa ba ba, nu na nu nống, dung dăng dung dẻ, xỉa cá mè…Tuy vậy, hiện nay hình ảnh các em ngồi chơi các trò chơi này thật ít thấy mà thay vào đó là các trò chơi điện tử.
Trò chơi dân gian rất đa dạng và phong phú, nếu giáo viên linh động, sáng tạo có thể kết hợp được rất nhiều trò chơi dân gian vào trong các hoạt động hằng ngày của trẻ ở trường như hoạt động nhận thức, hoạt động ngoài trời, hoạt động góc, sinh hoạt chiều.
VD: Ở các hoạt động nhận thức, giáo viên có thể đưa trò chơi giân gian vào trong các đề tài trẻ học như:
+ Với môn LQVT, đếm, thêm bớt trong phạm vi 5 thì có trò chơi “Chuyền thẻ”, “ô ăn quan”… Đó là bài tập đếm từ 1 đến 5 của trẻ. Trẻ nhóm các nhóm theo trật tự cao dần lên và thêm vào trong phạm vi 5 bắt đầu từ bàn một “cái mốt, cái mai, cái trai, cái hến…” sau đó là nhóm đôi và các nhóm cao hơn “đôi tôi, đôi chị…”, “ba lá đa, ba lá đề…”…Bài tập đó có thể giúp trẻ đếm thành thạo trong phạm vi 5.  
+ Với môn thể dục, đề tài “Nhảy cao” có thể cho trẻ chơi trò chơi “Chồng nụ chồng hoa”. 2 trẻ lần lượt chồng bàn chân rồi đến bàn tay lên nhau, lần lượt cho các bạn nhảy qua, ai chạm vào “nụ” là thua cuộc.
+ Với môn LQVH: các bài đồng dao khi chơi các trò chơi sẽ mở rộng vốn từ cho trẻ rất nhiều, ví dụ như các trò chơi “Thìa la thìa lảy”, “Dung dăng dung dẻ”, “Úp lá khoai”…
Ngoài ra, trò chơi dân gian cũng có thể tổ chức trong các hoạt động ngoài trời. Tận dụng khoảng không gian rộng rãi, mát mẻ, cô có thể tổ chức cho các cháu chơi các trò chơi vận động với số lượng trẻ đông nhằm phát triển thể lực, sư nhanh nhẹn, hoạt bát ở trẻ như Bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, thả đĩa ba ba, trồn tìm, nhảy lò cò, kéo co… 
Trong lớp học vì diên tích lớp nhỏ nên có thể tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi theo nhóm với hoạt động tĩnh tập cho trẻ sự nhanh tay, nhanh mắt như: ô ăn quan, chi chi chành chành, nu na nu nống, tập tầm vông, cắp cua, dệt vải, xỉa cá mè..
Hiện nay, đa phần phụ huynh cũng là giới trẻ, theo cuộc sống công nghiệp hiện đại, bận rộn mà ít có thời gian quan tâm đến hoạt động vui chơi của con cái, họ chỉ suy nghĩ đơn giản rằng “con mình thích đồ chơi gì thì sẽ mua cho đồ chơi đó” mà không quan tâm rằng liệu món đồ chơi đó có thực sự tốt hay không? Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, trẻ em bây giờ từ 4-5 tuổi đã có thể chơi thành thạo các trò chơi điện tử trên mày tính, điện thoại, hay mê mẩn với những con robots, chiến binh siêu hạng… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe (các tật về mắt, xương sống..) hay nhân cách (các trò chơi mang tính bạo lực, đánh chém…) mà quên đi trò chơi dân gian vừa vui vừa bổ ích lại an toàn đối với trẻ.
Giáo viên Thanh Tâm - MN Họa Mi