Giáo dục trẻ qua các hoạt động ở trường mầm non - Trường mầm non Hoạ Mi - Ban Mê Thuột

Nóng

Giáo dục trẻ qua các hoạt động ở trường mầm non

Khi nói về việc giáo dục cho trẻ mầm non, không ít quan điểm cho rằng "trẻ nhỏ biết gì mà dạy", "mấy đứa trẻ con dạy hát, dạy múa, kể chuyện là xong, hay " mầm non chỉ chăm sóc tốt là được "...
 Thực tế, giáo dục mầm non lại đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hình phát triển cho trẻ sau này. Việc giáo dục trẻ qua các môn học là một điều cần thiết vì đến trường, trẻ không chỉ là được chăm sóc mà còn phải được học. Nhưng học ở đây phải làm sao thật tự nhiên, tạo được hứng thú cho trẻ, giúp trẻ tự tìm hiểu, khám phá bằng sự yêu thích và sáng tạo của mình. Chính vì những yêu cầu như vậy đã tạo nên một xu hướng mới trong giáo dục mầm non nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện trong những năm đầu đời.   
    
Chơi mà học, học mà chơi
    Ở trường, các bé được tự do khám phá  lựa chọn những trò chơi mình thích, và làm những gì bản thân cảm thấy hứng thú, chơi theo cách của riêng mình. Có rất nhiều đồ chơi nhưng bé phải tự suy nghĩ, tìm tòi cách chơi, cách kết hợp những thứ có sẵn trong lớp học hoặc ngoài sân để có được những trò chơi thú vị. Các bé được khuyến khích chơi cùng nhau, sáng tạo cùng nhau … có lấm bẩn hay làm sai một chút cũng không sao, miễn con có cơ hội được thỏa thích lựa chọn trò chơi mình yêu thích, được phát huy sở trường và dần dần bộc lộ năng khiếu của bản thân. 
    Và quan trọng hơn tất cả là các con được trải nghiệm những kỹ năng sống.
   Thay vì ngồi nghe những kiến thức xa vời với trẻ, thì bé còn được tham gia rất nhiều họat động như: hoạt động ngoài trời, tiếp xúc với môi trường tự nhiên, chăm sóc vật nuôi… Tất cả những điều đó, đều nâng cao khả năng hiểu biết và giúp trẻ có cơ hội trải nghiệm về môi trường xung quanh.



 Giáo dục trẻ qua các hoạt động:
   Thông qua hoạt động giáo dục thể chất các bé được phát triển các kỹ năng vận động thô: bò, chạy bước ngang, chạy bước đuổi, bật, nhảy,…; kỹ năng vận động tinh: phối hợp các nhóm cơ nhỏ ở tay - mắt, chân - mắt; kỹ năng thăng bằng, kiểm soát cơ thể và kỹ năng cơ bản khác.


 Với bút màu, giấy màu, kéo, hồ dán, đất nặn… bé sẽ trở thành những nghệ sĩ tí hon với những sản phẩm tạo hình do bé tự sáng tác. Qua đó, phát triển tư duy, trí nhớ, óc tưởng tượng… điều đó giúp tăng thêm vốn hiểu biết của trẻ



     Qúa trình trẻ tiếp xúc với hoạt động âm nhạc như học hát, nghe hát, vận động theo nhạc, trò chơi âm nhạc… sẽ hình thành ở trẻ những yếu tố của một nhân cách phát triển toàn diện, hài hoà, là sự phát triển về thẩm mĩ, đạo đức, trí tuệ và thể lực.
     Ngoài ra, qua hoạt động làm quen với toán bé còn được tiếp xúc với những con số, nhận biết được các hình hình học, các biếu tượng về thời gian, không gian, khả năng định hướng trong không gian… Qua đó, phát triển ở trẻ các kĩ năng so sánh, ghi nhớ…

 Thông qua việc tiếp xúc với các tác phẩm văn học, sẽ phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ. Trẻ có thể học- chơi thông qua trò chơi đóng kịch, tập làm sách truyện, tập kể truyện theo nhóm, kể chuyện theo tranh… Đó là một quá trình hình thành và phát triển những năng lực trí tuệ, ngôn ngữ, tình cảm và cảm xúc thẩm mĩ cho trẻ.
     Bên cạnh đó, khi đến trường bé còn được rèn luyện các kĩ năng tự phục vụ bản thân( tự xếp đồ, cất dép, rửa tay, tự xúc ăn…), biết chào hỏi lễ phép, có các hành vi văn hoá xã hội… thông qua các hoạt động và giáo dục ở mọi lúc mọi nơi.
 Và hào hứng, thích thú khi được tham gia vào các ngày lễ hội: làm bánh trung thu, lễ hội ẩm thực, mừng sinh nhật của nhau.
Như vậy, có thể nói việc giáo dục trẻ thông qua các hoạt động ở trường, lớp mầm non có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với trẻ. Qua đó, sẽ giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách, giúp trẻ có các kiến thức sơ đẳng về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Góp phần phát triển toàn diện ở trẻ tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của trẻ sau này.

                 Cô Hồng Hạnh - Mộng Linh lớp Chồi 1