Giáo Dục Kỹ Năng Sống Cho Trẻ - Trường mầm non Hoạ Mi - Ban Mê Thuột

Nóng

Giáo Dục Kỹ Năng Sống Cho Trẻ

Như chúng ta đã biết giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non là điều rất cần thiết. Khi còn nhỏ trẻ được dạy về những hành vi đẹp, cách ứng xử đẹp với môi trường và những người xung quanh. Trẻ đến trường bên cạnh việc học tập và vui chơi các cháu còn được dạy một số kỹ năng tự phục vụ bản thân cũng như giúp cô và các bạn trong các hoạt động ở lớp. Điều đó sẽ giúp trẻ hoàn thiện nhân cách. 
Kỹ năng sống giúp trẻ biến kiến thức thành thái độ, giá trị, hành vi và thói quen lành mạnh. Vì vậy giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ngay từ khi còn ở trường mầm non giúp trẻ tự biết chăm sóc và bảo vệ bản thân tránh khỏi những nguy hiểm. Trẻ có thể hoà nhập nhanh với cuộc sống xung quanh, biết cách phát triển các mối quan hệ với mọi người. Qua các hoạt động học trẻ có cơ hội phát triển kỹ năng sống. Thông qua trò chơi lắp ráp trẻ có thể tư duy để  ráp theo ý muốn của bản thân.



Trẻ được thử nghiệm nhiều vai trò khác nhau qua các vai chơi; được phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo; học hỏi và hợp tác với các bạn cùng chơi...ví dụ:  Trong trò chơi bác sĩ trẻ phải điều hoà các mối quan hệ với 2 vai trò khác nhau: mối quan hệ với bạn cùng chơi và quan hệ với các nhân vật trong trò chơi. Để trò chơi phát triển mỗi đứa trẻ đều phải cùng cố gắng hoàn thành tốt vai trò của mình đồng thời phải biết chia sẻ, hợp tác với các bạn khác.

Thông qua sinh hoạt hằng ngày đa phần là những hoạt động lặp đi lặp lại vì vậy trẻ được rèn luyện nhiều và thực hiện các công việc đó một cách dễ dàng, vì đã thành nếp sinh hoạt. Ngoài ra, trong sinh hoạt trẻ cũng gặp phải những vấn đề mới nãy sinh, đó chính là cơ hội quý để hình thành những kĩ năng mới.Trong các giờ ăn trẻ giúp cô xếp bàn, ghế, chén, treo khăn, khi ăn xong trẻ có thể tự cất tô, đánh răng, lau mặt.... giờ ngủ trẻ có thể xếp được giường ngủ…





Ngoài ra, trẻ còn được học các kỹ năng về giao tiếp xã hội như kỹ năng chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi…và các tình huống trong giao tiếp.
Như vậy, việc giáo dục kĩ năng tự phục vụ cho trẻ ngay từ khi còn trong trường mầm non  là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Mỗi đứa trẻ có những yếu tố cá nhân khác nhau và sự ảnh hưởng của các quan hệ xã hội cũng như hoàn cảnh sống, môi trường trải nghiệm khác nhau nên nhà giáo dục cần có những hình thức, biện pháp linh hoạt, hợp lý dựa trên quan điểm then chốt của giáo dục mầm non là “Lấy trẻ làm trung tâm” và tận dụng các điều kiện để tạo ra nhiều cơ hội cho đứa trẻ được tự trải nghiệm. Với kĩ năng sống phong phú trẻ sẽ biết cách khai thác kiến thức từ cuộc sống xung quanh, tạo lập các mối quan hệ với tự nhiên và con người để sống an toàn, chan hòa, hợp tác và phát triển.








Một vấn đề khá quan trọng khi dạy kỹ năng cho trẻ, đó là  sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh, vì trẻ đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, vì thế phụ huynh và cô giáo phải là những tấm gương để trẻ noi theo khi trẻ ở nhà cũng như ở trường. Ngoài ra, chúng ta nên dạy trẻ qua các tình huống cụ thể xảy đến để trẻ dễ nhớ từ đó giúp trẻ phát triển một cách toàn diện hơn mỗi ngày.


Ngoài những kỹ năng trẻ tự phục vụ bản thân ra, trẻ lớp lá 8 còn rất hào hứng và tự giác tham gia vào các hoạt động chơi cũng như hoạt động học của lớp.
Cô Uyên Phương - GV Lớp Lá 8 - MN Họa Mi