Trẻ nhỏ thường hay có biểu hiện mất tập trung, quá hiếu động và nhiều khi lơ đễnh. Có những trẻ có biểu hiện mất tập trung và hiếu động ở mức cao hơn thông thường so với bạn bè cùng trang lứa khiến nhiều bậc cha mẹ sốt sắng đưa con đi khám bác sĩ mà đôi khi việc này là không cần thiết. Bài viết sẽ đưa ra những kiến thức cơ bản nhất nhằm giúp các bậc phụ huynh bớt băn khoăn hơn và có những ứng xử đúng đắn với những biểu hiện hiếu động ở trẻ.
Chứng tăng động giảm chú ý là gì?
Chứng tăng động giảm chú ý (viết tắt là ADHD) là một bệnh kinh niên phát ra từ lúc nhỏ và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ em và người lớn mắc bệnh này thường không thể chú ý được lâu, không thể ngồi yên lâu và hay hành động một cách bộc phát, không kềm chế được.
Nguyên nhân gây ra chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ
Nguyên nhân trẻ không tập trung có thể do đặc điểm lứa tuổi, chế độ dinh dưỡng hay phương pháp giáo dục của gia đình còn nguyên nhân chính xác của chứng tăng động giảm chú ý chưa được tìm ra. Một số nghiên cứu khẳng định yếu tố gen di truyền ảnh hưởng không nhỏ quyết định trẻ có thể mắc ADHD. Đa số những em mắc chứng ADHD thường có một nhân thân cũng bị chứng này. ADHD cũng được quyết định nhiều bởi yếu tố bẩm sinh, phần óc kiểm soát sự chú ý, hoạch định chương trình và kiểm soát hoạt động cơ thể của trẻ bị biển đổi, phát triển không hoàn thiện do mẹ khi mang thai có thể hút thuốc, uống rượu hay sử dụng ma túy hoặc một số hóa chất độc hại khác…
Triệu chứng của chứng tăng động giảm chú ý
Triệu chứng của bệnh ADHD nằm trong 2 loại: 1) Thiếu chú ý và 2) Quá hiếu động và bốc đồng. Trẻ em được định bệnh ADHD khi em có ít nhất là 6 triệu chứng trong mỗi loại, tồn tại ít nhất trong 6 tháng và những triệu chứng này phải xảy ra ở ít nhất là 2 nơi, thường là ở trường học và ở nhà, đến độ không thích nghi và phù hợp với trình độ phát triển. Nếu một em nhỏ “quậy phá” ở trường nhưng lại ngoan ngoãn ở nhà thì cũng không được định bệnh là ADHD.
1) Triệu chứng thiếu chú ý:
– Thường không chú ý đến những chi tiết, thường làm những lỗi do không cẩn thận trong bài vở hay những hoạt động khác.
– Không giữ được sự chú ý lâu trong khi chơi một trò chơi hay làm một công việc gì đó.
– Thường có vẻ như không nghe khi người khác nói với mình, tức không chú ý đến lời người khác nói.
– Không nghe theo lời chỉ dẫn đến nơi đến chốn và không làm xong bài vở hay những công việc khác.
– Thường thiếu óc tổ chức công việc.
– Thường tránh hoặc không thích làm những việc cần sự chú ý lâu dài như bài làm ở trường hay ở nhà.
– Thường hay làm mất đồ dùng như sách, bút, đồ chơi…
– Dễ lo ra
– Hay quên
2) Triệu chứng quá hiếu động và bốc đồng
– Tay chân hay ngó ngoáy và ngồi không yên
– Hay bỏ chỗ đi ra ngoài nơi lớp học hay rạp hát, những nơi cần ngồi yên lâu và chú ý lâu
– Chạy nhẩy, leo trèo ở những nơi không thích hợp. Các trẻ lớn hơn trong tuổi vị thành niên thì không leo trèo nhưng sẽ cảm thấy bứt rứt không ngồi yên được.
– Không chơi một cách yên lặng được
– Lúc nào cũng có vẻ như bận rộn hay như đang bị vặn máy chạy
– Nói chuyện không ngừng
– Không chờ đến phiên mình được
– Hay cắt lời người khác hoặc xen vào một việc hay trò chơi gì đó.
Đa số các em bệnh ADHD không có hết tất cả những triệu chứng nêu trên. Ngoài ra, trẻ em trai và trẻ em gái thường có triệu chứng khác nhau. Trẻ em trai thường dễ bị hiếu động hơn, trong khi trẻ em gái thường dễ bị bệnh thiếu chú ý hơn. Có thể cùng là hiếu động, nhưng khác với trẻ hiếu động thông thường, trẻ ADHD thường dễ bị khích động bởi hình ảnh, tiếng động hay đụng chạm.
Lúc đó, chúng thường trở thành bứt rứt và có thể trở nên xấn xổ, cả về hành động lẫn lời nói. Ngược lại, trẻ thiếu chú ý nhưng không hiếu động thường như đắm chìm vào thế giới riêng của chúng, không để ý đến những chuyện xảy ra chung quanh.
Đừng vội vàng kết luận trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý
Với sự nhạy cảm của xã hội hiện nay về chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ, rất nhiều bác sĩ vội vàng chuẩn đoán trẻ mắc ADHD và kê những loại thuốc đặc trị khiến trẻ bình thường khi sử dụng trở nên mất ngủ, chán ăn, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng khác về sức khỏe thể chất và tâm thần.
Trẻ hiếu động hay kém tập trung thông thường cần hơn cả là một môi trường giáo dục phù hợp giúp bé rèn luyện kỹ năng, thay đổi hành vi và biến sự hiếu động của bé trở thành sự năng động, tự tin, hoạt bát, phát huy hết tiềm năng cho bé. Việc giáo dục này cần kịp thời ở giai đoạn phát triển đầu tiên của trẻ (từ 3-6 tuổi) để đạt hiệu quả tốt nhất.
Các bậc phụ huynh cần cập nhật và trau dồi những kiến thức cơ bản trong việc giáo dục trẻ để có những ứng xử đúng đắn với từng biểu hiện khác nhau ở trẻ. Giáo dục con trẻ chưa bao giờ là một việc dễ dàng, bởi nó không chỉ là yêu thương mà còn cần rất nhiều tri thức và sự nâng niu.
(Nguồn: http://ismartkids)