Hiếu động kém chú ý (Hội chứng ADHD) là một tình trạng khó kiểm soát hành vi, việc chăm sóc giáo dục không đơn giản bởi vì dù trẻ rất hiểu biết và muốn chấp nhận các yêu cầu của bố mẹ, nhưng do mất khả năng kiểm soát do hệ thần kinh chi phối nên trẻ không thể điều chỉnh các hoạt động được.
Vì thế, bên cạnh các liệu pháp can thiệp sớm về hành vi và ngôn ngữ dưới sự hướng dẫn và theo dõi của chuyên viên tâm lý, thì trong quá trình giáo dục bố mẹ nên giúp trẻ bớt căng thẳng do sự la mắng hay trừng phạt, và trong việc giáo dục nên áp dụng một số nguyên tắc sau :
1. Không nên đặt biệt hiệu cho con là "đứa con trời đánh", "nghịch như quỷ sứ"... Cách đặt biệt hiệu này làm trẻ càng xa cách với bạn bè và trở nên tự ti, hung hăng thêm. Chúng ta không nên trêu chọc hay mỉa mai, vì trẻ thường không có khả năng phân tích và thấu hiểu những nghĩa bóng của các câu trách móc, nên sẽ có những căng thẳng không tốt cho thần kinh của trẻ.
2. Việc la mắng, đánh đập càng làm phát triển sự hung hăng của trẻ hiếu động; thay vào đó, nên cư xử dịu dàng với trẻ. Chúng ta chỉ cần dùng các biện pháp thưởng / phạt một cách rõ ràng. Chúng ta cần khen thưởng bằng cách chấm điểm, gắn sao, dán cờ trên một tấm bảng ( Nghĩa là rất cụ thể ) và từ các điểm thưởng đó, cuối tuần trẻ sẽ được cộng lại để nhận một món quà. Chúng ta không nên khen bằng lời nói như : Con rất giỏi, rất ngoan, mẹ hài lòng vì con ...điều này có giá trị với trẻ bình thường nhưng với trẻ hiếu động thì không.
3. Không nên so sánh con với những trẻ khác cùng tuổi với ý chê trách, thất vọng. Do đã rơi vào tình trạng đặc biệt nên những gì mà trẻ trông chờ là sự thương yêu của cha mẹ. Đối với những trẻ này, tình yêu của cha mẹ chính là sự sống còn. Trẻ cũng chờ mong những cử chỉ yêu thương thực tế như ôm hôn, nắm tay, cho quà ....
4. Nên nhìn vào mắt con khi nói chuyện. Yêu cầu trẻ nhìn vào mắt bạn khi nó yêu cầu một điều gì. Thực hiện hành động rõ ràng ngay trước mắt trẻ. Chúng ta có thể yêu cầu trẻ nhắc lại các câu hỏi, đề nghị : Mẹ nghe chưa rõ, con nói chậm lại để mẹ hiểu !
5. Trước khi trẻ thực hiện một hoạt động gì, hãy gợi ý cho trẻ có thể hình dung được kết quả, nếu con làm như vậy thì kết quả sẽ như thế nào ? Đây là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả giú trẻ biết cách trình bầy và chú ý hơn vào ý nghĩa của các hoạt động. Điều này sẽ giúp trẻ có khả năng tập trung hơn.
Trẻ hiếu động thường do nguyên nhân bẩm sinh khá phức tạp. Trong quá trình phát triển, việc chăm sóc đúng hay sai sẽ làm cho tình trạng giảm nhẹ hay tăng nặng lên. Vì thế việc can thiệp rất cần sự kiên nhẫn, không thể trong một thời gian ngắn mà có thể giúp trẻ khắc phục được những rối loạn này.
Theo tamlytreem.com
|