Trong hai tháng vừa qua, TP HCM đã có 3 ca tử vong vì hội chứng tay chân miệng, do diễn biến bệnh thường xảy ra quá nhanh.
Ca tử vong gần nhất xảy ra vào ngày 21/6. Cháu Nguyễn Duy Phi Trường nhập viện với biểu hiện sốc nặng, suy hô hấp kèm sốt cao, chân tay nổi mẩn đỏ. Bác sĩ Trần Thị Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM cho biết: "Diễn biến của bệnh quá nhanh, chúng tôi đã nỗ lực can thiệp cháu vẫn không qua khỏi sau 8 giờ cấp cứu".
Chỉ 6 tháng đầu năm, khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2 đã nhận trên 300 ca bệnh tay chân miệng, trong khi cả năm 2006 chỉ có khoảng 500 ca. Đến hết ngày 25/6, tại đây có 20 ca đang lưu trú, trong đó có 2 tình trạng nguy kịch. Đặc biệt trường hợp cháu bé 20 tháng tuổi nhà ở quận 10 nhập viện ngày 24/6 với các triệu chứng miệng loét, hai gót và bàn chân nổi nhiều bỏng nước, mẩn đỏ. Hiện bé vẫn ở trong tình trạng có nhiều diễn biến xấu như thường xuyên giật mình, mạch nhanh. Không có nhiều ca nguy cấp, nhưng trung bình mỗi ngày, bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng có từ 10 đến 15 ca nhập viện. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, bệnh xảy ra quanh năm, nhưng dịch tập trung từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, cho biết, hội chứng tay chân miệng do nhóm virus đường ruột gây nên. Gần đây ngoài virus Coxsakie A16 lành tính khiến bệnh tự khỏi sau vài ngày, các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra virus Entero 71 và một số tuýp virus khác có thể gây biến chứng ở não và tim. Bệnh thường rơi vào trẻ dưới 3 tuổi, lây lan nhanh qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, miệng, nước bọt, dịch của mụn rộp hoặc phân của người nhiễm, qua nắm tay, tiếp xúc với các vật dụng cá nhân của trẻ nhiễm bệnh như trong bình sữa, núm vú nhựa, đồ chơi và thực phẩm. Trong tuần lễ đầu tiên bệnh rất dễ lây cho người khác. Hết sức lưu ý nếu trẻ nổi bóng nước Trẻ mắc bệnh thường có dấu hiệu khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc đang thức hay lúc bắt đầu ngủ. Trẻ có thể biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run tay chân, co giật, sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông. Một số trường trường hợp trẻ có mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như: sốt nhẹ, ói, tiêu chảy ít kèm theo nổi bong bóng nước trong lòng bàn tay, bàn chân, ở đầu gối, mông và trong miệng lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, do chưa có thuốc phòng ngừa điều trị, nên giữ gìn vệ sinh vẫn là biện pháp chính giúp ngăn bệnh bùng phát. Trẻ cần được rửa tay, cắt móng tay thường xuyên. Phụ huynh cần làm sạch các dụng cụ trẻ tiếp xúc bằng xà phòng, thậm chí phải khử trùng bằng dung dịch chứa clo như chloramine. ( Theo VnExpress ) |