Tác hại của những thiết bị công nghệ đối với trẻ em - Trường mầm non Hoạ Mi - Ban Mê Thuột

Nóng

Tác hại của những thiết bị công nghệ đối với trẻ em

Điện thoại, máy tính, ipad, tivi… đang ngày càng chiếm một vị trí lớn trong cuộc sống hiện đại và là những thiết bị hỗ trợ không thể thiếu đối với xã hội hiện đại, tuy nhiên chúng lại mang lại rất nhiều tác hại và nguy cơ xấu đối với trẻ nhỏ.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tác hại của các thiết bị điện tử với sức khỏe và phát triển của trẻ nhỏ, tuy nhiên nhiều cha mẹ vẫn phớt lờ cảnh báo và thường xuyên cho trẻ xem tivi hoặc nghịch điện thoại để dỗ trẻ ăn hoặc chơi trong khi cha mẹ làm việc khác. Việc tiếp xúc thường xuyên với màn hình thiết bị điện tử khiến trẻ chậm chạp, ù lì, khó ngủ, có nguy cơ béo phì, đặc biệt là nguy cơ trầm cảm, thiếu tập trung trong suy nghĩ.

Theo một nghiên cứu độc lập của chuyên gia Trung tâm iSmartKids, kết quả trắc nghiệm với 135 trường hợp trẻ em 3-9 tuổi (thường xuyên tiếp xúc với ipad, điện thoại…trên 2-3 tiếng/1 ngày) cho thấy: 9 trường hợp từ 3-5 tuổi trẻ mắc chứng suy giảm tập trung, có 4 trường hợp trẻ bị rối loạn tâm lý, 5 trường hợp bị rối loạn ngôn ngữ, có 8 trẻ có dấu hiệu trầm cảm, ngại tiếp xúc với mọi người… đặc biệt hơn có 2 trường hợp trẻ “sống trong thế giới ảo” của phim hoạt hình đến mức trẻ vô cảm với tất cả mọi thứ xung quanh và chỉ luôn miệng nhắc các câu thoại và làm các động tác theo nhân vật hoạt hình.

tác hại của smartphone đối với trẻ


Rõ ràng, việc cho trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử sớm có hại nhiều hơn lợi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Ngoài việc trẻ có khả năng giảm thị lực khi xem phim, chơi điện tử trên điện thoại, ipad… nhóm trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ này nhiều hơn 3 tiếng/ 1 ngày có khả năng suy giảm trí nhớ cao.

Vậy làm cách nào để trẻ tránh xa thiết bị công nghệ? Các cha mẹ lưu ý một số phương pháp sau:


• Không cho trẻ tiếp xúc với điện thoại, ipad sớm để hỗ trợ bố mẹ trong việc cho trẻ ăn, chơi….

• Khi cha mẹ ở bên chăm sóc con, cần để thiết bị ở thật xa. Lúc ở nhà, cha mẹ cũng hạn chế sử dụng các thiết bị, nếu bắt buộc phải làm việc với máy tính, hãy vào phòng riêng, hoặc đi ra chỗ khác.

• Hướng con tập trung vào các trò chơi tăng sự tư duy sáng tạo, hoặc khả năng vận động như chạy, nhảy, xếp hình, vẽ tranh, đọc sách, đi dạo…

• Dạy con làm việc nhà cùng cha mẹ, cho con tham gia các hoạt động tập thể.

• Dành thời gian trò chuyện cùng con. Trẻ càng gần gũi cha mẹ, nghe lời chia sẻ của cha mẹ nhiều thì càng trưởng thành và ngoan hơn và tình cảm gia đình gắn bó hơn.

• Đối với nhóm trẻ lớn hơn 6 tuổi, hoặc đã “trót tiếp xúc” với điện thoại, ipad… cha mẹ cần nỗ lực, kiên trì giúp con tránh ảnh hưởng tiêu cực từ các thiết bị này bằng cách lập thời gian biểu hoạt động của con thật kĩ càng, giám sát con thực hiện theo thời gian biểu đó, cố gắng tránh mọi khoảng thời gian trống, không có việc gì. Cha mẹ giải thích cho con về tác hại của việc “nghiện” các thiết bị này và tại sao nên tránh xa nó.

• Trường hợp trẻ có các biểu hiện rối loạn tâm lý, như mất ngủ, mê sảng, ù lì, hay khóc lóc, ăn vạ, không thiết ăn uống khi không được đáp ứng cho xem, nghịch điện thoại, ipad, tivi… cha mẹ hãy đưa trẻ đi gặp chuyên gia tham vấn tâm lí, hoặc bác sỹ tâm lý để nghe tham vấn và điều trị.


Ta cần dạy trẻ biết và thành thạo về công nghệ nhằm tăng tri thức và hiểu biết xã hội. Tuy nhiên, khi trẻ còn nhỏ và khả năng kiểm soát chưa tốt, việc hạn chế trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ sẽ khiến cuộc sống của trẻ nhiều thú vị hơn. Bởi lẽ, “với thế giới tuổi thơ, không chỉ có công nghệ mới mang lại tiếng cười”.

Tham khảo bài viết  : Phương pháp giúp trẻ tự tin

(Nguồn: http://ismartkids.vn/nuoi-day-tre)