Nhiều người cho rằng giáo dục giới tính cho trẻ mầm non là quá sớm và ngại nhắc đến chuyện tế nhị. Thực ra, đây là việc cần thiết giúp bảo vệ các bé trước nguy cơ bị xâm hại.
An Ninh TV dẫn số liệu chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ trẻ em cho biết từ năm 2001 đến 2015, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân.
Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ. Không chỉ bé gái, các bé trai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của những kẻ biến thái.
Điều đáng nói là 93% nạn nhân quen kẻ xâm hại mình và 47% kẻ xâm hại là họ hàng, gia đình.
Dạy trẻ tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại Phụ huynh và nhà trường nên dạy trẻ tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại từ cấp mẫu giáo.
TS tâm lý Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định rất nhiều trường hợp người thân xâm hại trẻ em và các bé không biết phải làm gì.
Bố mẹ thường dạy con đề phòng người lạ nên trẻ chủ quan với người quen. Con số các vụ xâm hại trẻ em gây ra bởi người thân nói lên thực trạng đáng lo ngại.
Công tác giáo dục giới tính, phòng tránh xâm hại trẻ em được đề cập trong thời gian dài. Song thực tế đáng báo động hiện nay buộc chúng ta phải hành động sớm hơn nữa. Trẻ lên 3 đã có thể bắt đầu những bài học đầu tiên từ việc chăm sóc và bảo vệ vùng kín của mình.
Phụ huynh không thể luôn tìm cách bao bọc, giám sát, quản lý con. Thay vào đó, người lớn nên dạy con cách tự vệ, trang bị cho con những kiến thức để có thể tự bảo vệ bản thân, ngay cả khi không có bố mẹ bên cạnh.
Day tre tự bao ve truoc nguy co bi xâm hai
Giờ học kỹ năng sống với chủ đề hướng dẫn cách phòng tránh xâm hại cho trẻ tại trường Mầm non Kitten, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip.
Nhằm hỗ trợ phụ huynh trong công tác giáo dục giới tính cho trẻ, trường Mầm non Kitten ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đã tổ chức giờ học kỹ năng sống với chủ đề hướng dẫn cách phòng tránh xâm hại cho trẻ.
Tại đây, các em được dạy phải tránh xa, về mách bố mẹ khi gặp người lạ có ý đồ xấu và hét to, gọi cảnh sát trong trường hợp người lạ ngăn không cho đi.
Cô Nguyễn Thị Nhậm, giáo viên dạy kỹ năng sống, cho biết trên lớp, các em khá hiểu bài. Nhiều phụ huynh phản hồi rằng con họ nhớ kỹ và hiểu rõ nội dung bài học.
Cô Nhậm kể nhiều bạn về nhà nói luôn với bố mẹ là "bây giờ con còn nhỏ thì bố mẹ có thể tắm cho con, còn khi nào lớn con có thể tự tắm". Cô thấy rất vui trước kết quả này.
(Nguồn: news.zing)