“Văn Dĩ Tải Đạo”– Giải VVĐT 2017– Bản Tin 17 - Trường mầm non Hoạ Mi - Ban Mê Thuột

Nóng

“Văn Dĩ Tải Đạo”– Giải VVĐT 2017– Bản Tin 17

Mã số: 17-172

Sau hai ngày vật vã mà câu truyện vẫn chưa thể hoàn thành. Còn bốn ngày thôi là hết hạn nộp bài của Viết Văn Đường Trường. Tôi thư giãn bằng cách vào Face làm thơ tình, mà chủ yếu là thơ thất tình. Đối thơ với một bạn đến hơn hai mươi bài thơ, thì bạn đó cũng xin cáo từ vì mệt. Tôi trở lại với tác phẩm của mình và thấy vẫn thật sự bế tắc. Truyện ngắn của tôi thế này:

VÌ TÔI YÊU EM…!

Tôi là một Mục sư. Tôi biết. Còn em là một cô gái Công giáo. Tôi cũng biết. Tôi phải giới thiệu ngay ở dòng mở đầu câu chuyện để các bạn có thể hiểu được vấn đề khó khăn của tôi, khi một anh chàng Mục sư trót thương nhớ một cô nàng Công giáo.

Cuộc sống của chúng ta mỗi ngày đều phải đi qua những con đường. Và mỗi khi bước chân ra khỏi nhà, chúng ta ít khi hình dung được bất ngờ nào đang chờ đón.

Một buổi sáng, đó là buổi sáng của một ngày khá rảnh của tôi. Tôi tự cho phép mình ngủ nướng. Đã ngủ đến tám giờ, mà trước khi thức dậy tôi còn phải lăn qua lăn lại cái thân hình gần mét bảy của tôi, cho chín đều hai bên, rồi mới yên tâm ra khỏi giường.

Sau khi ăn qua bữa sáng với gói mì ăn liền ngọt như chè, vì con mèo nhảy qua kệ, làm đổ cốc đường vào bát mì của tôi, thì tôi cũng được bù đắp bằng ly café mặn như nước biển, tại tôi lấy nhầm lọ muối, thay vì lọ đường. Tôi ra khỏi nhà, lững thững đi bộ dưới làn nắng thu vàng dịu, để tất cả những mặn ngọt trong bữa sáng vừa qua được nhanh chóng tiêu hóa.

Đến cái ghế đá bờ hồ, nơi tôi vẫn thường ngồi một mình ngắm phố những lúc rảnh rỗi. Hay chưa! Hôm nay cái ghế quen thuộc của tôi bỗng có chút là lạ. Một cái khăn quàng cổ nằm sõng xoài trên ghế. Tôi cầm khăn lên, và ngồi xuống. Đang ngắm nghía cái khăn, tôi còn chưa kịp phân tích xem nó có mùi hương của loại nước xả nào, thì một cô gái xuất hiện.

“Chào anh, đó là khăn của em. Em vừa ngồi đây đọc sách, rồi đi về mà không để ý là nó rơi. Anh cho em xin lại nó…!”

Tôi ngước lên nhìn vào gương mặt của người con gái có giọng nói truyền cảm ấy. Em trông có vẻ ít hơn tôi khoảng năm tuổi, nét như một bức tranh, với nụ cười thân thiện rạng ngời trong nắng. Tôi đứng dậy theo phép lịch sự. Tất nhiên, chẳng lẽ cứ ngồi ì ra mà nói chuyện với một người đang đứng.

“Vậy à, khăn của em đây…” Tôi đưa cái khăn cho em.

“Cảm ơn anh…” Em dịu dàng nói, và có vẻ muốn quay đi luôn. Tôi níu kéo:

“Hình như anh đã gặp em ở đâu rồi thì phải… Trông em quen lắm…”

“Không ạ…” Em cười, rồi cũng cất bước đi thật.

Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn theo bóng em cứ nhỏ dần theo khoảng cách. Tôi khẳng định với chính mình là chắc chắn tôi đã từng gặp em. Thế là suốt buổi sáng dậy muộn của tôi ngày hôm đó, chỉ có mỗi một việc là cố nhớ ra xem đã gặp em ở đâu…? Mà không sao nhớ nổi!

Trên đường về, tôi đi sang con đường khác, cũng là đường của khu phố gần nơi tôi ở. Tình cờ tôi nhìn thấy em, không, chính xác là thấy một bức tranh giống em. Thì tôi đã nói là em nét như tranh rồi mà. Nhưng bức tranh đó không phải là chân dung của em, mà của một người nữ vô cùng xinh đẹp. Một vẻ đẹp uy nghiêm và được hàng tỷ người trên thế giới sùng kính: Đức Maria, người nữ đã sinh ra Đấng Cứu Thế.

Mọi lần đi qua đây, tôi chỉ nhìn lướt qua với ý nghĩ: “Bà ấy đẹp quá! Không biết có thật là đẹp đến thế không…!” Nhưng hôm nay, tôi phải đứng lại một lúc rất lâu, để ngắm tranh và phân tích xem em giống Bà ở những điểm nào. Thì ra điều khiến tôi thấy em rất quen, như đã từng gặp nhau, là ở nơi đây. Tôi đã đi qua đây nhiều lần, và cũng nhìn qua bức tranh này nhiều lần. Mà em thì khá giống Bà ấy, nên tôi thấy em quen quen.

Vậy là xong. Đã có câu trả lời cho câu hỏi lớn nhất trong ngày. Tôi đi về nhà và không còn nghĩ gì đến cô bé có gương mặt giống hệt Đức Maria nữa. Công việc chăn bầy của một Mục sư luôn rất bận rộn, đòi hỏi những nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ. Tôi luôn tìm thấy hạnh phúc, trong việc chăm sóc dân Chúa. Nhưng tôi chưa tìm được nửa còn lại của mình. Có lẽ Chúa lấy chiếc xương sườn của tôi rồi cất đi và quên mất rồi!

Rồi một buổi chiều kia, tôi tham gia buổi thông công với các anh em Công giáo. Nói là các anh em theo ngôn ngữ của Kinh Thánh, chứ hơn một nửa các anh em là các… chị em, và thật bất ngờ khi có em ở đó. Cô gái có gương mặt giống Đức Maria. Em không chỉ khiến tôi chú ý vì nét đẹp hiếm có, mà từng lời nói thái độ của em đều khiến tôi muốn ngả mũ vì sự nghiêm trang đằm thắm. Rất may là tôi không đội cái mũ nào, nếu không chắc tôi đã ngả mũ đến mỏi cả tay trước em.

Ngoài việc em rất thông thái, am hiểu và giở Kinh Thánh soành soạch như một giáo sư thần học, thì thái độ cư xử của em với mọi người càng làm cho gương mặt thiên sứ của em thêm sáng láng. Em vui tính và chừng mực. Em nhanh nhẹn nhưng rất cẩn thận, cùng những điều gì đó được luôn toát ra từ tâm hồn em, khiến tôi như bị hút vào…

Nhưng dù có bị hút đến thế nào, thì tôi cũng chẳng có thời gian để nghĩ về sức hút của em. Sau buổi thông công ấy, tôi lại được trách nhiệm của một Mục sư cuốn trôi. Tôi luôn bận rộn với những công việc của Hội Thánh. Không còn tâm trí đâu để nghĩ đến bất cứ cô nàng nào, ngay cả khi đó là một cô nàng đặc biệt như em.

Cho đến một ngày, tôi vội vã về quê vì nghe tin mẹ tôi đột quỵ. Gọi là về quê cho oai, chứ tôi chỉ phóng xe máy có 7 km đường. Mẹ tôi thích không khí yên tĩnh trong lành của nơi bà vẫn ở cùng bố tôi, nên không đến sống cùng tôi. Bà ở một mình. Tôi lúc đầu cũng không yên tâm, nhưng xung quanh nhà có rất nhiều ông bà cụ hay sang nhà nói chuyện với mẹ tôi. Họ cùng nhau ôn lại những năm tháng chiến tranh đã đi qua, với những miền ký ức của một thời tuổi trẻ. Tôi để mẹ ở nhà một mình, nhưng cũng thường xuyên tranh thủ về qua nhà, để thăm nom và có lời nhờ vả hàng xóm quan tâm đến mẹ giúp tôi. Mẹ tôi mà có gì không ổn thì họ sẽ gọi ngay cho tôi.

Đường về nhà tuy thật ngắn mà sao hôm nay nó dài lê thê…Trái tim tôi tan nát và lòng tôi trĩu nặng. Nhưng vừa bước chân vào nhà, trái tim tan nát của tôi lại nhảy lên mừng rỡ. Mẹ tôi đang nằm liệt giường. Nhưng tôi vui mừng không phải vì mẹ tôi nằm liệt một chỗ. Tôi mừng vì thấy người đang chăm sóc mẹ tôi: Là em! Em đang ân cần lau người cho mẹ tôi…!? Ôi…cuộc đời… tôi chưa từng gặp điều gì bất ngờ đến thế…Tôi như hóa đá bởi cùng một lúc mà có cả hai tâm trạng vừa rất vui, vừa rất buồn. Tôi chạy lại bên mẹ, thốt lên: “Mẹ…!” Rồi quay sang em, tôi nói: “…Cảm ơn em…Nhưng sao em lại ở đây…?”

Em cười: “Em là thành viên trong hội Legio Mariae, sùng kính Đức Mẹ, chúng em là những chiến binh của Đức Mẹ. Hội luôn có chương trình đi chăm sóc những người già sống một mình. Em gặp mẹ anh khi về đây thăm một bà cụ. Cụ đó nói về mẹ anh, nên em sang giúp đỡ bác... Em không ngờ bác là mẹ của anh…thật bất ngờ nhỉ…”

Sự dí dỏm của em phá tan bầu không khí u ám. Đây là lần thứ ba tôi được gặp em. Cứ mỗi lần gặp, chúng tôi lại gần nhau hơn một chút, hiểu nhau hơn một chút. Và lần này, tôi có cả ba ngày để tìm hiểu thêm về em.

Em đúng là kém tôi năm tuổi như dự đoán ban đầu. Em là một nhà báo, và chuyên làm về công tác xã hội. Điều hay nhất về em là em còn độc thân. Điều còn hay hơn cả cái điều hay nhất ấy là em đang không có người yêu. Em cũng là người bận rộn. Tôi chợt nảy ra ý tưởng muốn em trở nên một “Môn đồ” trong Hội Thánh của tôi. Và tôi bắt đầu vào đề cho những bài giảng của mình, nên ra những ưu điểm của Tin Lành mà Công giáo không có. Em im lặng lắng nghe. Tôi cũng chỉ ra những điểm mà tôi thấy Công Giáo đã không làm đúng Lời dạy của Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh. Em vẫn im lặng lắng nghe. Cho đến khi tôi “giảng” xong bài, với câu hỏi cuối: “Em có ý kiến gì không…?” Thì em bình thản nói:

“Cảm ơn anh đã mở rộng hiểu biết cho em. Em không muốn bàn gì về những điều anh vừa nói. Em chỉ nghĩ, trong một gia đình, mỗi người con đều có cá tính riêng tuy cùng một cha mẹ sinh ra. Điều làm cho một gia đình luôn êm ấm là các thành viên biết yêu thương nhau và tôn trọng nét riêng của mỗi người. Và gia đình nào có sự xung đột thường do người này muốn thu phục người kia và muốn người đó phải làm theo ý mình. Trong cuộc đời trần thế này, cái đúng cái sai nó khá mênh mông. Có những quyết định là đúng nhất trong hiện tại này, nhưng sau năm hay mười năm nữa, nó có thể là một quyết định sai lầm. Như việc ngày xưa thường nói: Thương con thì cho roi cho vọt. Với các cụ thì là đúng vì các cụ tin những roi vọt đó sẽ giúp những đứa trẻ nên người. Nhưng đó là với các cụ ngày xưa. Trẻ em mỗi thời mỗi khác. Nếu con trẻ ngày nay mà dùng roi vọt, trẻ sẽ tổn thương và trở nên mặc cảm, khó hòa đồng với tập thể và có nguy cơ bị tự kỷ rất cao. Ngày nay người ta bảo nhau nên giáo dục con trẻ bằng tình thương, đối thoại và sự kiên nhẫn…”

Em ngừng lại nhìn tôi, rồi thấy tôi gật gù, em nói tiếp:

“Trong thần học, là cả một thế giới vô biên của tư tưởng. Mỗi người có một tâm hồn khác nhau nên sẽ cảm nhận về Thiên Chúa cách khác nhau. Không ai có thể áp đặt đức tin của mình lên người khác được. Người ta chỉ có thể giúp nhau nhìn rõ con đường. Đi con đường đó như thế nào thì là việc riêng của cá nhân mỗi người. Dù là Công Giáo hay Tin Lành cũng đều là những người con của một Cha là Thiên Chúa, cùng là hai con đường đi đến Đấng Hằng Sống. Ai hợp với con đường nào, thích con đường nào thì cứ đi con đường ấy. Miễn sao họ tìm gặp được Đấng đang chờ họ trong trái tim của mỗi người. Chẳng phải Chúa Giêsu đã từng nói: “Ta dùng nhiều loại lưới để bắt nhiều loại cá…” đó sao…?

“Ừ …thì…đúng là như vậy…” Tôi ngập ngừng. Em nói tiếp:

“Chúng ta cùng là con một Cha Trên Trời, thay vì tìm cách thâu tóm nhau, tại sao ta không hỗ trợ nhau phát huy tối đa những ưu điểm của nhau…? Đừng chỉ trích lên án những điều mà mình không thích. Chọn lựa Công Gíao hay Tin Lành là việc của con người chứ không phải sự đòi buộc của Phúc Âm…”

Tôi ngẩn người trước những điều em nói. Em đúng là có cách nghĩ rất khác. Thay vì đáp trả những “công kích” của tôi bằng những “công kích” khác, em lại nói lên sự hòa đồng trên tinh thần đại kết. Tôi không thể và cũng không muốn phản biện lại suy tư của em. Vì nó quá…hợp lý! Việc của chúng ta là làm cho những người chưa biết Chúa, trở về tin nhận Chúa là chủ và là Cha của cuộc đời mình. Chứ không phải là chĩa gươm vào người anh em bên cạnh, chỉ vì khác nhau tấm áo.

Ba ngày ở bên mẹ, là những thời gian tuyệt vời nhất đời tôi. Hằng ngày em đều đến chăm sóc mẹ tôi cách chu đáo tỷ mỉ, như thể chăm mẹ ruột. Tôi hạnh phúc được ăn những bữa cơm em nấu. Tôi rất vui khi hàng ngày được thấy em quanh quẩn trong nhà mình. Sự hiện diện của em như một ngôi sao nhỏ, lấp lánh trong ngôi nhà vắng lặng của mẹ tôi. Tôi không ngừng tạ ơn Chúa vì đã mang em đến…

Sau những lần bác sĩ châm cứu bấm huyệt, với những thìa thuốc được tay em ân cần chăm sóc, mẹ tôi đã tỉnh táo và cử động được toàn cơ thể. Em bảo tôi cứ yên tâm lên đường. Em sẽ tiếp tục giúp đỡ tôi trong việc chăm mẹ.

Tôi khăn gói lên đường về Hội Thánh trong một buổi sáng đẹp trời. Tiễn tôi ra cổng, em mỉm cười với giọng nói dịu dàng:

“Anh đi bình an nhé…!”

Tôi chớp mắt nhìn em mà lòng chỉ muốn ở bên em mãi…

Nhưng tiếng gọi của Chúa đánh thức tâm hồn tôi. Tôi tạm biệt em bằng một lời cảm ơn mà tôi đã ước gì mình có thể nói với em nhiều hơn thế:

“Tạ ơn Chúa vì em đã đến đây…Cảm ơn em nhiều lắm…Ước gì…” Tôi bỏ dở câu nói. Em cười:

“Ước gì vậy anh…?”

Tôi cũng cười và nổ máy: “Bí mật nhé!”

Xe tôi bon bon chạy đi, xa dần ngôi nhà mà tôi đã hạnh phúc bên mẹ, bên em trong ba ngày qua, xa dần hình ảnh người con gái đang khiến trái tim tôi chao đảo. Tôi đi xa dần, mà cõi lòng thì cứ như vẫn còn đang ở lại đó, nơi một cái cổng có cô gái đứng dõi mắt nhìn theo…

Cuộc sống của tôi lại bận rộn với công việc chăn bầy. Nhưng dù có bận đến thế nào, mỗi ngày tôi cũng phải gọi về ít nhất một lần, để hỏi thăm mẹ, và để nghe được giọng nói của em. Tôi nhớ em! Rất nhớ…

Viết đến đấy thì tôi bó tay, không thể triển khai được thêm. Cuộc tình này có lẽ cũng bế tắc như vấn đề đại kết…? Tôi liều mạng gửi truyện cho một Mục sư mà tôi rất tin tưởng. Ngay hôm sau, tôi có thư trả lời:

“Chào Thoa.

Mình đã đọc truyện ngắn của Thoa và mỉm cười nhưng cũng không thể không có những cái lắc đầu. Để mình giải thích cho Thoa hiểu thêm trạng thái hai thái cực mỉm cười và lắc đầu này của mình nhé.

Mỉm cười vì đây là một ý tưởng táo bạo của tác giả là Thoa muốn làm cái gì đó cho cộng đồng Thiên Chúa Giáo. (Mình nói ba cụm từ Thiên Chúa Giáo bao gồm cả các hệ phái, trong đó có Chính Thống Giáo bao gồm rất nhiều quốc gia từ ̉ Ethiopia cho đến Trung Đông, Hy Lạp, đông Âu và Nga, rồi Công Giáo La Mã gồm vài nước nam châu Âu và Nam Mỹ, và cả các hệ phái Tin Lành khác). Ý tưởng thì hay, cái táo bạo thì có nhưng nội dung của câu chuyện thì không thể 'tải đạo' được khiến mình mỉm cười.

Mỉm cười thứ hai. Mặc dù tác giả có nỗ lực trau chuốt ngôn từ và ý tưởng, nhưng câu chuyện không thể đi đến một đoạn kết có hậu. Ai trong cuộc tình dám hy sinh cho lãng mạn? Lãng mạn bởi cái nhìn ban đầu, bởi cảm giác ban đầu nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chắc tác giả không ngừng nghỉ suy tư làm cái gì để thống nhất ý tưởng của đại gia đình nhà Chúa. Nhưng oái oăm thay, trong đại gia đình nhà Chúa, có rất là nhiều dòng họ mang sản phẩm tinh hoa từ Chúa, mà cái tinh hoa này, phải có ai đó dám hy sinh để đến với thứ cao hơn, làm thoả ý Cha trên trời. Mà ý của Cha trên trời đâu phải là lãng mạn? Thập Tự Giá không bao giờ có thể là lãng mạn, mà máu đổ thịt rơi và tiếng thét cô đơn của Cứu Chúa trên đó. Hành trình cùng Chúa là hy sinh, cả lãng mạn để biết rõ ý của Cha trên trời.

Lắc đầu với lý do thứ nhất. Người làm trai ‘nam nhi’ khi đã biết hy sinh, dám trau dồi cuộc sống của mình để nghe rõ tiếng Chúa gọi vào chức vụ, là Mục sư có nghĩa là cá nhân này đã trưởng thành, ông ta không còn là mấy cậu choai choai dễ bị điên đảo bởi tiếng thét ái tình vì một cô gái, cho dù cô ta có đẹp, có sang đến đâu. Mục sư mà còn bị tiếng thét của ái tình, của cái mỹ miều bên ngoài, hay bên trong làm điên đảo, ông không thể dẫn dắt ai được.

Lắc đầu với lý do thứ hai. Mục sư không phải là con người chỉ thấu đáo thần học mà ông đã biến thần học ra thành thực tế thực dụng trong cuộc sống để lãnh đạo mọi người. Cái thực tế tối thượng của Mục sư là biến nghệ thuật chăm sóc gia đình nho nhỏ của mình trước rồi đến nghệ thuật chăn dắt bầy đàn của Chúa. Nghệ thuật ‘tề gia’ là một trong những tiêu điểm, cái hạt nhân trong Khổng Giáo, ‘Tề gia, trị quốc bình thiên hạ.’ Tề gia đi trước tất cả những đại sự khác.

Nào, Thoa thử nghĩ về hậu quả của việc ông Mục sư đi yêu một cô gái Công Giáo, mà cô ta là ‘chiến binh của Mẹ Maria’ có nghĩa là không có sự thoả hiệp trong cô ấy. Nếu đây chỉ là cuộc tình lãng mạn thì truyện của nhà văn, ta đọc để mua vui ‘vài trống canh’ và quên. (Người theo Chúa ăn năn sống theo tiêu chuẩn của Ngài sẽ không để lãng mạn vượt qua khuôn khổ. Mục sư không thể không biết và không thể không giảng giải điều này cho con dân của Chúa trong Hội Thánh. Ông phải là tấm gương phản ảnh Cứu Chúa trong thế gian qua cuộc sống và qua những bài giảng luận). Nhưng nếu đây là thực tế thì sẽ là một chuyện tình dẫn đến thảm hoạ. Bởi vì, khi yêu, và yêu chân chính, không xuất phát từ dục vọng, mà xuất phát từ sâu thẳm trong đáy lòng biết rõ người con trai/con gái kia sẽ là người bạn trăm năm của mình. Có nghĩa là cuộc tình đó sẽ phải đi đến việc kết hôn thành vợ thành chồng. Và khi thành vợ chồng, họ sẽ phải sinh con, hai thái cực của gia đình nhà Mục sư- và cô gái Công Giáo kia sẽ giáo dục con mình sao đây? Thần học là cái chung, nhưng gia đình là cái riêng, và đây lại là hạt nhân của xã hội. Cảnh đồng sàng dị mộng xuất phát từ đây và dẫn đến đổ vỡ. Bao nhiêu năm làm Mục sư trong Hội Thánh mình đã nhận thấy cái rạn nứt lớn nhất dẫn đến đổ vỡ nhiều nhất trong những cặp hôn nhân lại không phải là người ngoài đời đã ăn năn đến với Chúa mà lại là từ những cặp vợ chồng thuộc hai hệ phái của Thiên Chúa Giáo. Người Công Giáo hay Tin Lành, Chính Thống Giáo và ngược lại.

Lắc đầu với lý do thứ ba. Người đọc là Công Giáo hay Tin Lành sẽ cảm nhận thấy sự nông nổi trên mọi phương diện của câu chuyện, người ta sẽ hỏi: Tác giả muốn đạt được ý tưởng gì đây? Thiên Chúa Giáo như đã giải thích ở trên có thể có những vị lãnh đạo cao nhất trong giáo phái đến với nhau và thông công, giao lưu lẫn nhau, tạo ra cái an bình của xã hội và truyền giáo cho những dân chưa biết Chúa đến tôn thờ Ngài. Nhưng khi đã đến với gia đình, hạt nhân của xã hội loài người thì không thể có hai hệ thống tư duy trong đó. Một là ông Mục sư kia sẽ phải nói, ông gạt bỏ tất cả để theo cô gái người Công Giáo vì tiếng thét của ái tình, hay ngược lại cô gái công Giáo kia cũng sẵn sàng hy sinh tất cả cái kiến thức của mình để thoả nguyện tình yêu và lãng mạn.

Đây là đúc kết của mình trong hơn hai mươi năm trong chức vụ. Hầu hết mọi tranh dành gây xáo trộn và đổ vỡ đều xuất phát từ hai nguyên nhân. A - tài chính và cách quản trị kinh tế gia đình. B - Cách nuôi dạy và kỷ luật con cái. Hai điều này luôn luôn làm mình bận tâm trong những cặp vợ chồng khi cần có tư vấn.

Mình đã tranh thủ viết lời bình chân thành của mình cho Thoa.

Nguyện Chúa ở cùng.”

Đọc những lời bình luận của Mục sư, tôi như vớ được một gia tài lớn. Tôi rất biết ơn những lời này. Đúng là tôi đã quá nông nổi khi viết về một vấn đề quá sâu sắc. Nhưng tôi là kẻ luôn sống với những hoài bão, tôi không đầu hàng ngay được. Tôi sẽ tìm đọc thêm nhiều sách, và thai nghén ý tưởng của mình trong nhiều thời gian, để có thể có một tác phẩm giàu ý nghĩa.

Văn thơ của kẻ có niềm tin cần phải truyền tải được tinh hoa của Chúa, để những người con dân Nước Trời có những món ăn tinh thần bổ dưỡng cho đời sống đức tin.