Mã số: 17-169
1.
Tôi bước lên từng bậc tam cấp, vừa đi vừa nghĩ ngợi lan man. Gần một tuần kể từ ngày thầy Hòa nhờ tôi chút việc nhưng tôi vẫn chưa có được câu trả lời chắc chắn. Vào đến phòng đàn của gia đình, tôi thả mình xuống ghế, ôm lấy cây guitar đặt trên kệ. Đây không phải lần đầu tiên tôi ngồi ôm đàn ngân nga, hát vu vơ với những bản nhạc quen thuộc. Những khi buồn nhất, tôi thường làm như thế. Dường như âm nhạc là thứ dễ dàng để xoa dịu con người vì không phải chỉ mình tôi mà cả ba và mẹ tôi cũng vậy.
Ba tôi đàn guitar đỉnh lắm, nguyên cửa hàng đàn và dụng cụ này là do đam mê của ba lập nên. Ba bảo “Con gái không nên lãng tử làm gì. Khổ lắm! Nếu thích thì học organ hay piano là đủ rồi”. Ba nói vậy nhưng ba không cấm tôi học hỏi tìm tòi các nhạc cụ khác. Mỗi lần thấy tôi đàn nghe chệch choạc, ba lại cười khúc khích, chỉ có mẹ là an ủi “cố lên con, sẽ giỏi hơn ba cho mà xem”.
Mẹ tôi là giáo viên dạy nhạc tại một trường cấp hai ở ngoại ô thành phố. Ngày trước, mẹ cũng đàn cho ca đoàn của nhà thờ, mẹ kể có lần mẹ thắng cuộc trong cuộc thi “Giai điệu thánh thiêng” do giáo phận tổ chức. Nhưng rồi, từ ngày cưới ba, mẹ ngưng mọi hoạt động ở nhà thờ chỉ đi dạy và chăm sóc gia đình.
- Hay là con từ chối việc thầy Hòa nhờ đi, chuẩn bị thi Đại học rồi, đến bây giờ vẫn chưa có hình thức thi rõ ràng nên phải cố gắng mà học.
Tiếng mẹ cất lên kéo tôi về với thực tại. Câu nói của mẹ làm tôi hụt hẫng. Tôi không trả lời mẹ, nhưng nhìn ánh mắt, mẹ có thể hiểu cảm xúc trong tôi như thế nào? Đã buồn nay lại buồn hơn. Chẳng lẽ tôi không thể làm điều mình mong mỏi sau bao nhiêu năm chờ đợi. Sống chung một mái nhà nhưng giữa ba và hai mẹ con tôi có một khác biệt quá lớn. Không biết khi nào chúng tôi mới tìm được điểm chung?
2.
Mặt trời xuống nhanh trên những khách sạn, tòa nhà cao chót vót của thành phố. Không gian nhanh chóng chìm vào màn đêm đặc quánh.
Tối nay trời hầm, khí trời khó chịu xen vào giữa những ngày thời tiết đang chuyển mình sang đông trên dải đất biển Nha Trang. Ba chăm chú nhìn vào những phần mềm Adobe Audition, Slice Audio File Splitter,… trên màn hình máy tính, cùng với đóng sổ chép nhạc, hình ảnh, đĩa CD chất chồng bên cạnh. Từ ngày thôi nhà thờ, ba sinh hoạt tại chi hội Tin lành trong thành phố. Ba giỏi vi tính lại sáng tác khá tốt nên được người ta giao cho công việc quản trị trang mạng truyền thanh Tin lành. Ngày nào cũng đăng bài lên, khi thì ca khúc cũ, lúc thì những ca khúc mới từ các tác giả Tin lành gởi về. Đôi lần, tôi nghe được những audio truyện ngắn hay cực mà bên Công giáo mình tôi chưa được nghe bao giờ. Ba cứ chôn mình trong phòng làm việc với những cái ba đam mê, đôi khi lại quên mất bữa cơm chung với gia đình. Những buổi đầu mẹ còn cằn nhằn ba, mê say, làm việc quá sức nhưng rồi chứng nào tật đó, làm thì làm, quên ba vẫn quên.
- Em có chuyện muốn nói với anh – Mẹ lấy hết can đảm, nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh ba.
- Chuyện gì?
- Em muốn cho con lên nhà thờ tập diễn nguyện đêm canh thức Giáng sinh năm nay. Con nó được vào vai Đức Mẹ.
Ba nhìn mẹ, gương mặt đăm chiêu suy nghĩ.
Im lặng, chỉ có tiếng quạt phần phật phả gió. Hơi gió lần này nóng rát thấy lạ, như cái khó chịu đang vướng bên trong con người ba.
- Không thấy anh đang bận hả? Không đi đâu hết, ở nhà đi, ban đêm ra ngoài nguy hiểm lắm!
- Nhưng… nhưng mà…– Mẹ ấp úng.
- Nhưng nhượng gì nữa… thấy vụ con bé Hương mà chưa sợ à?
Mẹ lặng thinh, không thể nói thêm điều gì khi giọng ba có vẻ quả quyết. Ba quay mặt vào máy tính tiếp tục công việc như không muốn nghe những lời giải thích, phân bua. Mớ hình ảnh mấy hôm trước như tràn về trong suy nghĩ của mẹ. Vụ con bé Hương con cô Hai ở cuối hẻm bị thằng khốn cùng dãy trọ cưỡng hiếp được mọi người phân trần. Chuyện ấu dâm vốn âm ĩ từ lâu, nay một lần nữa dậy lên nóng sốt. Thời buổi bây giờ thấy lạ, đạo đức ở một lớp người xuống cấp trầm trọng thật. Con ruột, cháu ruột mà vẫn còn giở mấy trò khốn nạn không có tính người, huống gì con người khác đang ở tuổi mới lớn. Dư luận cứ ồn ào lên tiếng rồi phản kháng quyết liệt. Biết được điều đó, ba cũng lo cho tôi, sẵn có lí do ba không cho tôi ra ngoài vào ban đêm nhiều, không tập tành canh thức gì ngay cả khi có mẹ đưa đón.
Nhưng thật ra, đó không phải lí do chính ba muốn ngăn tôi đến nhà thờ. Đã từ lâu, ba cấm đoán hai mẹ con đi Lễ ngày thường, hạn chế sinh hoạt với giáo xứ. Nay đêm nào tôi cũng phải đi, tôi còn đòi vào vai Đức Mẹ trong đêm Canh thức Giáng Sinh, làm sao ba chịu được. Con gái một tín hữu Tin lành không đem được nó về sinh hoạt với Hội Thánh đã đành, nay còn diễn vai Đức Mẹ. Chuyện này mà đồn ra, mặt mũi nào ba dám nhìn vị Mục sư nơi chi hội ba sinh hoạt, rồi còn các tín hữu tại đó nữa. Chỉ nghĩ đến thôi, ba đã muốn lờ đi cho yên chuyện.
Tôi đứng tần ngần sau bức tường chắn ngang phòng làm việc của ba, nghe rõ đầu đuôi câu chuyện của hai người. Thất vọng. Tôi hiểu tính ba, khó có thể làm được gì khi ba đã không tán thành. Mẹ buồn, tôi cũng buồn không biết ba quyết định như vậy, trong lòng ba có buồn hay không? Tôi trở về phòng, đến bên bàn thờ nhỏ mà mẹ làm riêng cho tôi sau ngày ba dẹp bỏ bàn thờ chung của gia đình. Tôi nhìn lên Chúa, nhìn lên Đức Mẹ, tôi tự hỏi tại sao Ngài cứ im lặng trong khi tôi đang rất cần đến Ngài.
Đến bây giờ, tôi cũng không hiểu được vì sao ngày đó ba lại tháo chiếc bàn thờ kia xuống. Tôi chẳng nhớ gì ngoài hình ảnh mẹ ôm cứng chiếc bàn thờ mà mẹ đang cất kĩ trong tủ. Chiếc bàn thờ vô tri nhưng lại ướt đẫm những giọt nước mắt của mẹ. Tại sao ba vẫn tin Chúa, chỉ mỗi không tôn kính Đức Mẹ như hai mẹ con tôi vẫn làm hằng đêm là lần chuỗi Mân côi. Sao ba khác mẹ và tôi như thế? Chẳng lẽ ba không thương chúng tôi? Những câu hỏi ấy cứ theo tôi suốt những năm tháng còn bé.
Nhiều lần tôi gặng hỏi nhưng mẹ chỉ im lặng, lâu lâu mới mở miệng nói được mấy chữ nhưng cũng làm tôi thất vọng “Đi hỏi ba mày là rõ”. Ai nào dám, chắc đó là một quá khứ không tốt đẹp gì nên mẹ mới không nói ra. Đến hỏi ba, nhỡ đụng vào nỗi lòng, ba không nói cũng không sao, làm ba buồn tôi lại càng ân hận.
Trong mỗi lời cầu nguyện hằng đêm, tôi vẫn luôn tin tưởng cầu xin Chúa để ba có thể cùng mẹ con tôi đi đến nhà thờ như lúc tôi còn bé. Như những gia đình khác trong giáo xứ vẫn thường làm. Thứ hạnh phúc nhỏ nhoi tưởng chừng đơn giản, vì gia đình tôi vẫn hạnh phúc, đủ sống hằng ngày nhưng về mặt tâm linh sao điều này lại khó thực hiện đến vậy.
3.
Gió lay nhẹ hàng bàng xung quanh nhà thờ, một vài chiếc lá khô đã úa màu nhẹ nhàng rời cành úp mặt xuống đất. Tôi đưa mắt nhìn đám lá kêu xào xạc đang tung bay, chút gì đó là lạ trong lòng, không biết gọi tên làm sao.
Sau buổi học giáo lý, tôi nán lại trong lớp. Tôi muốn trình bày với thầy Hòa về điều thầy đã nhờ tôi từ buổi học trước.
- Con không thể nhận vai Đức Mẹ được, có gì thầy chọn bạn khác thay cho vị trí của con nha – Tôi nói.
- Sao vậy con?
- Dạ, chỉ là do cuối năm nay con thi Đại học nên ba mẹ muốn con tập trung hơn cho việc học tập.
- Vậy hả…? Thôi, có gì để thầy xem xét lại.
Tôi quay lưng bỏ đi, nét buồn vẫn còn vẽ trên khuôn mặt. Mấy năm liền tôi được chọn vào vai Thiên thần Garbiel truyền tin cho Đức Mẹ. Hồi đó, tôi ước ao được một lần vào vai đang diễn đối diện với mình trên sân khấu, được làm Đức Mẹ để phủ lên đầu tấm vải xanh dịu dàng rồi quỳ gối trước mặt thiên thần. Nhưng sao bây giờ, cơ hội được một lần nói tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ đã trao cho tôi, chính tôi lại không thể giữ lấy thật chặt bên mình.
Tôi muốn giấu đi những giọt nước mắt đã kịp trào khi vừa quay bước. Từng bước chân tôi đi nặng trịch đến khó hiểu, như muốn níu kéo tôi quay lại để nói với thầy “Dạ! Con sẽ làm Đức Mẹ ạ!”. Tôi đã lớn nhưng sao tôi không được tự quyết định. Chuyện của ba, chuyện của người lớn, tại sao bắt tôi phải gánh chịu cơ chứ?
Cơ hội làm Đức Mẹ theo những giọt nước mắt rơi xuống đất vỡ tan tành.
Tôi biết, dù không nói thật nhưng thầy Hòa vẫn hiểu rõ lí do vì sao tôi từ chối vai diễn Đức Mẹ. Thầy Hòa vừa làm giáo lý viên, vừa sinh hoạt trong hội đoàn Legio của giáo xứ nên thông tin hay hoàn cảnh từng gia đình thầy nắm khá rõ. Nhiều lần thầy đến nhà để nói chuyện cùng ba, vì ba đang sinh hoạt tại một chi hội Tin lành. Hỏi ra mới biết, đến thăm nhà tôi là một trong những công tác của hội Legio giáo xứ, “Mục công tác: thăm tôn giáo bạn”. Mỗi lần đến nhà, ba vẫn vui vẻ, niềm nở tiếp đón một cách nồng hậu nhưng trong lòng ba vẫn có điều gì chất chứa, khó thổ lộ. Ba bỏ mặc những lời khuyên lơn của mọi người kể cả mẹ và tôi. Ba lúc nào cũng cứng rắn, nhất định không đến nhà thờ như ngày trước.
Mỗi lần thấy hai người trò chuyện, lòng tôi lại buồn da diết. Chẳng lẽ, ba và tôi cùng sống chung một mái nhà, trong tôi đang chảy dòng máu của ba nhưng về mặt tâm linh, ba và tôi chỉ là hai người bạn thôi sao?
4.
Tôi ngồi trước cây đàn organ trong phòng, muốn ngân nga thả mình trên những phím đàn để quên đi nỗi buồn nhưng vẫn không thể làm được. Một nốt trầm lớn cứ nằm yên trong lòng. Mà hôm nay, nắng tự dưng gắt gao, thay cho mấy ngày liền âm u, mây gợn đen như lòng người hỗn độn. Ông Nguyễn Du nói đúng thật “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Chợt có tiếng người gọi cửa, không phải tiếng của khách xem đàn, tiếng này nghe quen lắm. Là Cha xứ, ông Bảy Thẩm trưởng khu giáo và thầy Hòa. Tại sao hôm nay lại có cả ba người đến, bình thường chỉ một mình thầy Hòa hay ông Bảy thôi mà. Nghe tiếng người gọi cửa mẹ dừng lại công việc đang làm chạy ra đẩy cửa rồi mời cha, ông biện và thầy Hòa vào bên trong. Nghe có tiếng người, ba cũng đứng dậy và đi ra bên ngoài. Tôi chạy ù xuống bếp pha một bình trà cho ba mẹ tiếp chuyện.
Tôi mang bình trà nóng từ bếp lên để mời Cha. Câu chuyện giữa mọi người đã bắt đầu từ lúc nào. Chỉ biết thoáng qua, Cha Hoàng vừa mới chuyển đến giáo xứ cách đây mấy tháng nên nhiều người trong xứ chưa biết nhiều về Cha. Cha cũng muốn nắm rõ được tình hình trong ngoài giáo xứ như thế nào nên nhờ đến Hội đồng giáo xứ và Legio dẫn đường đi thăm hỏi. Tôi pha trà mời mọi người xong liền lui vào phòng chọn một vị trí có thể nghe rõ mọi thứ.
- Tôi đã nghe thầy Hòa trình bày, hình như anh có khúc mắc gì mới thôi nhà thờ, rồi không cho vợ con sinh hoạt trên đó nữa? – Cha hỏi.
Ba ngập ngừng, cúi đầu không nói.
- Có sao thì anh cứ nói. Nếu tôi giúp được gì thì tôi giúp cho.
Ba chần chừ hồi lâu rồi mới mở miệng bắt đầu câu chuyện:
- Hẳn cha cũng rõ, đạo Tin lành của con xưng thú lỗi lầm của mình trực tiếp với Chúa từ khi còn bé, từ lúc con ý thức được hành động của mình là phạm tội cần Chúa tha thứ. Đến khi quen vợ con, khó khăn lắm con mới theo Đạo và được cưới cô ấy… Khó hơn cho con khi phải bước vào tòa giải tội để nói ra lỗi lầm của mình với vị linh mục ngồi phía sau tấm bàn quỳ bằng gỗ. Nhưng rồi… nhưng…
Nói đến đây ba ngập ngừng, im lặng, không hiểu sao ba muốn ngưng câu chuyện đang chảy theo mạch tâm sự. Cha Hoàng vội tiếp lời:
- Anh cứ kể tiếp đi.
Thoáng chút bối rối, ba đắn đo rồi tiếp tục câu chuyện đang dang dở:
- Lỗi do con Cha à! Lần đó con vu khống Cha Phương cựu quản xứ giáo xứ mình tiết lộ ấn tín tòa giải tội của con. Con nghi ngờ ngài vì những tật xấu con xưng thú đều bị mọi người biết… không kìm chế được mình, con đã đến nhà xứ và sỉ vả ngài,… nhưng… nhưng sự thật không phải do Cha Phương…. Trong men say, trước ngày xưng tội con đã kể những cái xấu đó cho đám bạn nhậu. Ai ngờ tụi nó nhiều chuyện, bịa đặt rồi thêm thắt lung tung.
Ba cúi đầu như cố che lấp đi ánh mắt xấu hổ, thẹn thùng của bản thân dù người đang ngồi trước mặt ba không phải là Cha Phương của ngày trước. Sự ân hận trong ba đang vẫy vùng.
- Rồi Cha Phương có nói gì anh không?– Cha hỏi.
- Cha không nói gì cả, con cũng im lặng và thôi đến nhà thờ. Biết mình đã sai nhưng vì cái sĩ diện, con không dám nhận lỗi do chính bản thân. Mà mặt mũi nào con dám bước đến nhà thờ nữa cha, con sợ ánh mắt người khác cứ nhìn vào mình. Nên… nên con mới quay lại với Đạo Tin lành, đó là cứu cánh duy nhất con nghĩ đến.
Đời lắm lúc bi hài là vậy.
Tôi đứng im, nghe từng lời ba kể rồi ngẫm nghĩ, trong lòng xuất hiện nhiều thứ cảm xúc. Từ thoáng chút ngạc nhiên cho đến khó hiểu. Không biết hình dáng cái sĩ diện đó ra sao mà ai ai cũng vì nó mà phải đánh đổi nhiều thứ. Nhưng tôi tin, dù ba quyết làm vậy, trong lòng ba đã buồn lắm. Ba có định kiến của ba, nên ba cứ giữ lấy nó dẫu biết mình đã sai.
Cha Hoàng gật gù rồi cất tiếng:
- Trong chuyện này, chưa nói tới ai đúng ai sai nhưng tôi biết các bạn Tin lành ít khi nhậu nhẹt rồi sinh chuyện lắm. Anh làm vậy là không ổn rồi.
- Dạ… con biết rõ điều này, lỗi là do con.
- Tôi nghĩ anh vẫn còn níu kéo với Công giáo với công việc nhà Chúa nhưng sao anh lại làm khó dễ với vợ và con khi họ đến nhà thờ?
- Con sợ mọi người dị nghị. Họ nói gì con cũng được, con không muốn vợ và con con phải nghe.
- Đó không phải là cách tốt nhất để anh thể hiện tình yêu thương của mình dành cho vợ con. Anh nên suy nghĩ lại!... còn với những người khác ở nhà thờ, nếu họ có xúc phạm hay đụng chạm đến anh. Tôi thay mặt họ xin lỗi anh được chứ?
- Trong chuyện này, cha đâu có lỗi. Do con thôi cha à!
Cha Hoàng ầm ừ, tay cầm lấy ly trà đưa lên miệng. Cha uống một ngụm nhỏ rồi nói tiếp:
- Tôi xin anh tha thứ vì tôi muốn có sự hiệp nhất trong gia đình anh. Một bản nhạc hay thường có nhiều bè phối với những nốt nhạc trầm bổng quyện vào nhau. Thiên Chúa của chúng ta cũng thế, duy nhất, hằng hữu, được nhiều người biết đến và tôn thờ. Tôi nghĩ anh nắm rõ điều này. Đạo Tin lành hay Anh giáo,… đều được tách ra từ Công giáo, đó là kiến thức tôi học được. Giống như một bài hát, từ giai điệu nhạc đề, các bè phụ được dựng nên rồi bổ trợ cho bè chính và làm cho bản nhạc hay hơn. Công giáo và Tin lành cũng vậy, tại sao cùng tin một Đức Chúa, chúng ta lại không có những cái nhìn thấu đáo và thoáng hơn cho nhau. Như vậy sẽ dễ dàng chấp nhận nhau hơn, làm sáng danh Chúa hơn? Và trước hết dễ dàng thực hiện nhất là ngay chính gia đình mình.
Ba tôi ngồi im lặng, điều cha vừa nói như chạm thấu trái tim chai đá lâu ngày của ba. Đàn, nhạc là đam mê của ba, của gia đình nhưng bây giờ cha Hoàng lại dùng chính nó để thức tỉnh ba.
- Dạ, con hiểu ý Cha muốn gửi gắm nhưng khó cho con để thực hiện được điều đó ngay bây giờ.– Ba hơi cúi đầu.
- Tôi nghĩ với niềm tin vào Chúa và tình cảm dành cho gia đình, anh sẽ suy nghĩ và thay đổi.
Sống giữa cuộc sống thời nay, mỗi nhân vị như một chiếc lá nhẹ trôi giữa dòng nước, chỉ biết chảy theo. Chiếc lá nào đi chệch hướng hay cố lội ngược dòng đều bị cuốn phắc ra khỏi dòng chảy. Ngày ba quay về với đạo Tin lành, bà con trong xóm đạo không ai hiểu cho ba, cứ lời ra tiếng vào. Ba buồn. Mẹ buồn theo. Chỉ có một mình mẹ hiểu, bởi tình cảm ba dành cho mẹ là chân thành, là hy sinh nên ba mới trở lại đạo Công giáo để được cưới mẹ. Nỗi buồn ấy theo mẹ dăng dẳng biết bao năm, bây giờ mới chịu buông tha cho mẹ. Hai hàng nước mắt mẹ dàn dụa, nóng hổi trên khuôn mặt gầy hóp. Tôi hiểu vì sao những giọt nước mắt đó lại rơi, những giọt nước mắt hạnh phúc. Hạnh phúc được dành giật từ người chồng mẹ yêu.
Chao ôi! Sau biết bao năm, tôi mới biết được lí do ba không bỏ Chúa nhưng xa rời giáo xứ. Dù ba chưa cùng mẹ và tôi đến nhà thờ như ngày trước, nhưng tôi tin, Chúa đã nghe thấy tiếng mẹ và tôi cầu xin hằng đêm.
Hôm đó, cha Hoàng ngồi nói chuyện với ba lâu lắm. Trước khi về, ba đã hứa sẽ sớm đi tới nhà thờ với hai mẹ con tôi. Tôi vui, mẹ vui, hy vọng lòng ba cũng vui.
5.
Hai ngày sau đại Lễ Giáng Sinh.
Ba cùng tôi tham dự buổi biểu diễn thánh ca liên tôn do giáo hạt tổ chức. Ngoài các nhạc sĩ, cùng các vị linh mục trong giáo hạt, vài vị mục sư của các chi hội Tin lành trong thành phố cũng được mời tham dự.
Hoạt cảnh Truyền Tin của giáo xứ tôi được mời diễn lại trong buổi giao lưu lần này. Phần ba, tôi biết ba vui và hớn hở lắm khi sắp được nhìn thấy tôi xinh đẹp trên sân khấu, chứ đêm Giáng sinh vừa rồi ba vẫn chưa đủ mạnh dạn để bước chân đến nhà thờ. Ngước mắt nhìn lên Thánh giá, cảm giác trong tôi hôm nay khác hẳn. Tôi không hiểu được cảm giác đó xuất phát từ đâu.
Bỗng, người dẫn chương trình xuất hiện. Cô mời linh mục nhạc sĩ, trưởng ban tổ chức “Tình ca Giêsu” bước ra để khai mạc buổi giao lưu. Ba đưa tay dụi vài cái vào mắt rồi đưa tay kéo áo tôi, tay kia hướng về sân khấu. Miệng ba ấp úng nhưng vẫn đủ để tôi nghe rõ mồn một từng chữ “Con… con… Cha, cha Hoàng kìa…! Sao.. sao Ngài lại…”.
- Dạ! Cha Hoàng là nhạc sĩ, trưởng ban thánh nhạc giáo phận mà ba. Con biết lâu rồi nhưng nghĩ ba không quan tâm nên không nói cho ba biết.
Cha Hoàng đưa mắt nhìn xuống khán đài một lượt, ánh mắt dừng lại nơi dãy ghế của ba và tôi. Tôi đưa tay vẫy chào, Cha nhoẻn cười rồi làm dấu Thánh giá, bắt lên bài hát khai mạc chương trình.
“Lạy Cha xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một,
như Cha ở trong con và như con ở trong Cha.
Xin Cha cho mọi người nên một trong chúng ta,
hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai con.”
(Lạy Cha xin hãy cho – Lm. Kim Long)
Tôi nhìn ba. Một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu: “Ước gì con Chúa giáng sinh, ba cũng sớm được sinh ra trong Chúa lần nữa?”