Giải Viết Văn Đường Trường 2017, bản tin 16 - Trường mầm non Hoạ Mi - Ban Mê Thuột

Nóng

Giải Viết Văn Đường Trường 2017, bản tin 16



GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2017

BẢN TIN 16

Thưa quí độc giả và quí tác giả,


Bước sang nửa sau của năm 2017, kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách Tin lành do Martin Luther khởi xướng, ta đọc thấy trên trang mạng Hội đồng Giám mục Việt Nam một bản tin lạc quan. 

Tuyên bố chung về sự “Công chính hoá bởi ân sủng” đã được Giáo hội Công giáo và liên hiệp các Giáo hội Tin lành Luther ký kết năm 1999, sau một quá trình đối thoại đại kết nhiều thập niên. Bản tuyên bố này khẳng định rằng ngày nay các Giáo hội đã chia sẻ “cùng một cách hiểu về việc Thiên Chúa ban ơn công chính hóa cho chúng ta qua đức tin vào Chúa Kitô”. Bản tuyên bố này đã hóa giải tận cốt lõi sự tranh cãi kéo dài 500 năm qua về bản chất của ơn công chính hóa (ơn cứu rỗi), vốn là gốc rễ đưa đến cuộc Cải cách Tin lành. Bảy năm sau, Hội đồng thế giới của Giáo hội Giám lý (Methodist) đã chấp thuận bản Tuyên bố ấy vào ngày 18-7-2006. Giờ đây, ngày 05-7-2017, Khối Hiệp thông toàn cầu các Giáo hội Cải cách (đại diện cho 80 triệu thành viên thuộc “các Giáo hội Congregational, Presbyterian, Reformed, United, Uniting và Waldensian") cũng đã cùng ký Tuyên bố chung này tại thành phố Wittenberg của nước Đức, nơi khai sinh cuộc Cải cáchTin lành vào năm 1517.

Chắc hẳn đó là một sự kiện nức lòng các tác giả và độc giả cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường lần V, cuộc thi có chủ đề 100 năm Đức Mẹ Fatima và 500 năm cuộc cải cách Luther.

Trong bối cảnh ấy, trước khi mời quí vị và các bạn thưởng thức 7 truyện tiếp theo đã vượt qua vòng loại, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bản tin đáng vui mừng ấy, bản tin có tựa đề: 

“Chấm dứt 500 năm tranh cãi thần học giữa Công giáo và Tin Lành Luther”. 

WHĐ (8.7.2017) – Ngày thứ Tư 05 tháng Bảy 2017, tại thành phố Wittenberg của nước Đức, nơi khai sinh cuộc Cải cách Tin Lành vào năm 1517, Liên hiệp Thế giới các Giáo hội Cải cách đã ký Tuyên bố chung về “Công chính hoá bởi ân sủng”; đây là một văn bản đại kết quan trọng, kết thúc 500 năm tranh cãi về thần học. Chúng ta cùng tìm hiểu văn bản này qua ba câu hỏi:

1/ Tài liệu này là gì?

Năm 1999, một văn bản quan trọng được ký kết giữa người Công giáo và người Tin Lành Luther ở Augsburg, nước Đức. Kết thúc nhiều năm dài đối thoại, bắt đầu từ sau Công đồng Vatican II, cuối cùng hai bên đã đồng ý về một công thức cốt lõi chung của đức tin, cụ thể là ơn cứu rỗi được ban cho con người do ân sủng của Thiên Chúa, chứ không phải vì công trạng của con người. Thỏa thuận này về “ơn công chính hoá bởi ân sủng”, lấy lại công thức vẫn thường được chấp nhận, đã kết thúc 500 năm tranh cãi về thần học từ khi có cuộc Cải cách Tin Lành. Quả vậy, vào thế kỷ XVI, khi Giáo hội Công giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm, và còn mời gọi các tín hữu mua lấy ân xá để bảo đảm được lên thiên đàng, Luther và các nhà cải cách khác phản đối quan điểm này để khẳng định tính ưu việt của ân sủng.

Trong bản thỏa thuận 1999 – mà Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II rất ủng hộ và Đức hồng y Ratzinger, khi ấy là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã đích thân tham gia soạn thảo –, người Công giáo và người Tin Lành Luther đều nhìn nhận rằng những lời kết án vào thời Cải cách không còn có chỗ đứng nữa.

Tuyên bố Augsburg đã không đạt được sự đồng thuận toàn bộ trong giới Tin Lành, vốn vẫn chia rẽ nhau về việc xích lại với Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, bảy năm sau, những người Methodist đã tham gia vào bản Tuyên bố này.

2/ Tiến bộ này đóng góp điều gì?

Nay đến lúc Liên hiệp Thế giới các Giáo hội Cải cách tham gia thỏa thuận này. Trong khuôn khổ của một buổi phụng vụ đại kết, ngày hôm nay các nhà lãnh đạo của Liên hiệp chính thức gia nhập thỏa thuận, với sự hiện diện của các đại biểu thuộc các Giáo hội khác đã ký tên vào bản Tuyên bố, trong đó có Đức cha Brian Farrell, thư ký của Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu.

Trong năm kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải cách Tin Lành này, sự hội nhập của Liên hiệp Thế giới các Giáo hội Cải cáchđánh dấu một giai đoạn quyết định cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, vì Liên hiệp này là một trong những tổ chức quan trọng nhất trong giới Tin Lành, với khoảng 80 triệu tín hữu.

Đối với nhà thần học Luther André Birmelé, nhân vật hàng đầu của phong trào đại kết, Tuyên bố chung này “không phải là một kết luận của đối thoại như một kết luận nào khác, vì nó không chỉ liên quan đến các nhà thần học đặt bút ký, như vẫn thường xảy ra, nhưng liên quan đến các Giáo hội”.

3/ Làm sao có thể đạt được bước tiến này?

Bước tiến đại kết lớn lao này là thành quả của một phương pháp được áp dụng để đi đến Tuyên bố Augsburg, đó là “sự đồng thuận biệt hoá” – nhìn nhận rằng sự hiệp nhất đức tin có thể được diễn tả bằng những ngôn ngữ khác nhau. Cha Emmanuel Gougaud, Giám đốc Văn phòng quốc gia về Hiệp nhất Kitô giáo của Hội đồng giám mục Pháp, nói rằng: “Điều này có nghĩa là chúng tôi nhìn nhận có những điểm khác nhau, nhưng những điểm khác nhau ấy không còn tách biệt nữa”.

Từ nay, sự đồng thuận này cũng mở rộng đến các nhà cải cách trên toàn thế giới. Trong thực tế, không có gì thay đổi, nhưng đã có những cột mốc mới về thần học được đặt ra để tiếp tục cuộc đối thoại, bằng cách loại bỏ trở ngại thần học chính đã làm phát sinh phong trào Cải cách.

Minh Đức - (Theo La Croix)


--------------------

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Trong bản tin tới chúng tôi sẽ giới thiệu 7 truyện dự thi cuối cùng của cuộc thi Viết Văn Đường Trường 2017. Hiện nay, 71 truyện vào vòng chung khảo đang được tiến hành lượng giá và chấm điểm. Không riêng cuộc thi năm nay, Giải Viết Văn Đường Trường nói chung đang bước vào giai đoạn cuối: Năm 2018 sẽ là năm tổng kết giải Viết Văn Đường Trường. Bản thể lệ cuộc thi lần thứ VI sẽ được công bố vào ngày 21/9/2017, theo đó, lần này mỗi tác giả có thể gửi bài dự thi không giới hạn. Chủ đề cuộc thi sẽ là: “Sống công bằng, bình an, quý trọng mọi người và quên mình vì ích chung”. Chúng tôi xin được thông báo sớm để quý tác giả có thể chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho tất cả chúng ta.



Qui Nhơn, ngày 12-7-2017

Linh mục Trăng Thập Tự


Mã số: 17-162 

NHẮM MẮT LẠI MÀ NHÌN

Cỏ đã xanh rờn khe gạch nền nhà thờ cũ. Rong rêu đã ám xỉn những vệt tường loang lổ. Chỉ còn mỗi hang đá Đức Mẹ nằm khuất dưới hàng cây sao cổ thụ là còn hơi nguyên vẹn. Từ ngày nhà thờ cũ được dời đi và người ta bắt đầu nghĩ rằng một hang đá mới với một pho tượng Đức Mẹ mới sẽ linh thiêng hơn thì nơi đây đã chẳng còn ai đến viếng thăm, ông trùm xứ bảo thế. Cũng không hẳn vậy, bởi có đôi ba lần người ta bắt gặp ông Khẩm, dắt hai đứa cháu, cùng hội Legio đến đây đọc kinh nhưng ấy là chuyện lâu lắm rồi, vì từ ngày ông Khẩm đột quỵ qua đời, chẳng còn ai ghé lại nơi đây, trừ hai đứa trẻ.

Nhắc đến hai đứa trẻ, chúng là hai đứa trẻ kỳ lạ bởi tuy là chị em ruột nhưng chúng trái ngược nhau: Con chị có khuôn mặt dài, người lòng tong, da ngăm ngăm như gỗ bào ngâm nước. Thằng cu em lại trắng trẻo, béo tròn như ông Địa. Điểm giống nhau duy nhất giữa hai chị em là mỗi lần đến đây chúng đều rất buồn. Hôm nay cũng vậy, từ đằng xa, hai bóng nhỏ xuất hiện, men theo lối cỏ tranh cao quá gối, chúng vẽ thành một con đường nhỏ nối liền bờ tường đổ nát với hang đá cũ kĩ hằn rõ những vết bong tróc của thời gian. Đến nơi, con bé buông tay em ra, sửa lại tà áo, vòng tay nghiêm trang rồi bảo em:

- Em vòng tay lại đi, chị em mình đọc kinh, rồi cầu xin Đức Mẹ xin cho ba đừng làm mẹ khóc nữa, như ngày xưa ông ngoại dạy chúng mình ấy, em nhớ không?

- Dạ nhớ! – Thằng bé đáp thật to rồi ngoan ngoãn vòng tay.

Con bé bắt đầu làm dấu, nó xướng lên lời kinh Kính Mừng quen thuộc. Thằng em ê a đọc theo. Đọc kinh xong, hai chị em cầu nguyện. Không ai biết con bé cầu nguyện gì, chỉ thấy môi nó mấp máy, mắt không rời khỏi pho tượng Đức Mẹ. Cu em cũng bắt chước chị. Nó cầu cho ba mạnh khỏe, rồi cầu cho mẹ đừng thút thít mỗi khi ôm chị em nó vào lòng, rồi nó cầu cho tụi trẻ con trong xóm đừng gọi chị nó là đồ con rơi vì mỗi lần như thế chị nó lại khóc, rồi nó cầu xin cho gia đình nó được bình yên. Một đứa trẻ năm tuổi mà đã phải cầu xin những điều đó hay sao? Điều ấy quá mơ hồ, mơ hồ như bóng chiều chập choạng trên mấy vòm cây sao, như cơn gió thốc mạnh làm đám cỏ tranh nghiêng ngả và như hai cái bóng nhỏ đổ ngoằn ngoèo trên nền gạch đen đúa như hai dấu hỏi đan lồng vào nhau.

Bẵng đi vài hôm, cũng tại nơi này, Hương, mẹ của hai đứa trẻ xuất hiện. Sau khi lê những bước chân mỏi mệt qua đám cỏ tranh rối mù, Hương quỳ xuống trước hang đá, đúng hơn là ngã khuỵu xuống. Dưới ánh sáng nhờ nhờ của vầng trăng non, Hương hiện lên trong bộ dạng gầy gò, ốm yếu. Đã thế, mái tóc Hương cứ buông xõa lòa xòa như cố tình khuất lấp một nỗi u uẩn trõm sâu trong đáy mắt. Khẩn khoản, Hương ngước nhìn lên khuôn mặt trái xoan của bức tượng đã bị nước mưa bôi đen lem luốt, giọng cô đau xót:

- Mẹ ơi... Là con sai, là con có lỗi với chồng con...

Thứ âm thanh đau đớn, tức tưởi vỡ ra trong cuống họng rồi đột ngột nghẹn lại, im bặt. Màn đêm cũng đột ngột im bặt trước nỗi đau của Hương. Trong cái hốc nhỏ, Nữ Vương của những kẻ đau khổ cảm thông cùng cô. 

Hương cứ gục đầu như thế, chẳng biết bao lâu, thỉnh thoảng đôi vai xương xẩu lại run lên như có ai đó chạm vào. Bất ngờ Hương ngước lên, ngấn nước mắt hãy còn long lanh chưa ráo, Hương vội chắp tay, tiếng nói tượng thanh trong tiếng nấc, nghẹn ngào:

- Mẹ ơi! Dù con có sai như thế nào nhưng con bé không có lỗi. Con của con không có lỗi... Mẹ ơi....Xin Mẹ hãy cứu giúp gia đình con...

Hương lại im bặt, lại gục xuống. Không ai đáp lời Hương, chắc chắn thế, bởi giả như có ai đáp lại, Hương đã chẳng ngồi lặng như thế cho đến khi trăng chếch trên đầu. Ánh trăng lại in bóng Hương thành một dấu hỏi trên nền đất đen đúa.

Ba bốn hôm sau đêm Hương đến, người ta thấy con bé ôm một tấm ảnh tìm đến nơi đây. Nhìn dáng bước xăm xăm trong màu áo hoa cà tím sẫm, người ta không dám nghĩ nó chỉ mới hơn tám tuổi. Đến trước hang đá, con bé từ từ xoay tấm ảnh lại rồi giơ thật cao trước mặt Đức Mẹ: 

- Mẹ ơi, nhìn này! Đây là ảnh cưới của ba mẹ con, hồi trước ba con quý nó lắm. Hôm nay… chính ba…chính ba…. đập vỡ nó rồi. 

Bao nhiêu kìm nén trong lòng vỡ ra thành tiếng khóc. Con bé khóc sao mà xót xa quá. Xót xa hơn là nó khóc nhưng vẫn cố giơ tấm ảnh thật cao. Nó nghĩ làm như vậy Đức Mẹ sẽ nhìn rõ ba mẹ nó hơn và Đức Mẹ sẽ có cách gì đó giúp gia đình nó? Nhìn nó già, già quá, cuộc sống bất hạnh thường làm cho người ta già trước tuổi! Nó cứ giơ tấm ảnh như vậy và cứ nhìn trân trân về phía Đức Mẹ, chợt nó reo lên như thể Đức Mẹ vừa mách bảo với nó điều gì đó:

- Đúng rồi, con phải đi méc ông nội mới được. 

Con bé vội vàng cúi chào Đức Mẹ rồi chạy vụt đi. Cái dáng nhỏ xé toạc đám cỏ tranh như cái suy nghĩ vừa lóe lên trong đầu nó.

Thực ra không cần nó phải méc, chuyện gia đình nó chẳng còn xa lạ ở cái xóm này. Chỉ cần nghe ồn ào cuối xóm, người ta lại bảo nhau: Chắc thằng Trọng mới đi nhậu về... Nhiều người thắc mắc, Trọng ngày xưa có vậy đâu. Trong trí nhớ nhiều người Trọng là một chàng thợ xây hiền lành, tốt bụng, con nhà gia giáo và chăm làm nhất xóm. Ấy thế mà sau khi lên Sài Gòn mưu sinh, gặp được Hương, cô gái cùng xóm, hai người yêu nhau, có bầu rồi cưới nhau thì tính tình anh thay đổi hẳn. Anh trở nên lầm lì, cộc cằn, ít nói hay cáu bẳn, gần đây còn rượu chè và đánh mắng vợ con. 

Hôm nay cũng thế, trời vừa bảng lảng chiều, cuối xóm đã nghe tiếng đổ vỡ. Vài người tò mò ngó vào xem, thấy Trọng cởi trần nằm trên võng, lâu lâu văng vài tiếng chửi thề. Chếch một góc tường, Hương ngồi thu mình, ôm thằng cu thút thít. Những mảnh kính vỡ của tấm ảnh cưới tung tóe khắp nhà. Con bé thì chẳng biết đã đi đâu. Thấy Hương tội nghiệp, nhiều người khuyên cô bỏ đi vậy mà cô vẫn cứ cam chịu không làm gì, ngay cả cãi lại cũng không. Thực ra, không phải Hương không làm gì, ngược lại cô làm nhiều hơn người ta nghĩ. Sau mỗi trận mắng chửi, đợi cho Trọng ngủ say, Hương tìm đến hang đá cũ cầu nguyện cùng Đức Mẹ. Những khi ấy, người ta cầu xin ơn giải thoát cho mình, còn Hương, Hương xin ơn hoán cải cho chồng bằng những đau khổ chính anh gây ra cho cô.

Hôm nay quán Hai Mân đóng cửa sớm, Trọng uống chưa đủ đô nên trằn trọc khó ngủ, chốc chốc anh trở mình bực bội. Thực ra Trọng không ngủ được không phải vì rượu mà vì những gì vừa mới xảy ra. Cứ nhắm mắt lại là tiếng tấm ảnh cưới rơi vỡ lại vang lên và hình ảnh những mảnh thủy tinh sắc lẹm cứa vào khuôn mặt hạnh phúc của anh chị cứ ám ảnh anh. Chẳng hiểu sao những điều nhỏ nhặt lại có sức ám ảnh ghê gớm đến thế hay bởi chúng đã khơi dậy điều gì đó mơ hồ trong lòng anh. Cảm giác bức bối của anh nhanh chóng lan ra khắp nhà, hơi men cũng theo đó lấp đầy vào khoảng trống của những chữ cái bị bong ra từ câu Lời Chúa dán trên tường “Sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân ly” như một điềm báo. Im lặng, thằng bé đang thút thít cũng im lặng, chỉ còn tiếng những cánh cửa nửa khép nửa mở va vào nhau.

Giật mình, tiếng chó sủa đầu ngõ vang lên, ba bóng người xuất hiện: một bóng già nua của ông Năm, một bóng bé xíu của con bé con anh chị và một bóng áo chùn đen của Cha xứ. Cái ngõ nhỏ trở nên xôn xao, vài người tọc mạch từ xa ngó tới. Ba bóng người chậm rãi bước vào nhà.

Thấy họ, Hương vội đứng lên, vớ chiếc chổi quét nhanh những mảnh thủy tinh vào một góc rồi ôm thằng cu đứng nép vào tường. Trọng nghe tiếng bước chân những tưởng chỉ có ông Năm đến, nên nằm ỳ giả vờ ngủ say. Nhưng chợt ngó thấy chiếc áo chùn đen, anh vội ngồi bật dậy, vớ chiếc áo trên móc, khoác ngay vào người. Sự hiện diện của Cha xứ ở bất cứ đâu cũng tạo nên một điều thánh thiêng nào đó. Sau khi mời cha xứ ngồi, ông Năm bảo con bé xuống bếp pha cho ba ly trà gừng giải rượu, rồi ông thở dài ảo não:

- Tao hết cách với tụi bay rồi. Hôm nay tao mời cha xứ đến đây giải quyết. Đã là vợ chồng bao nhiêu năm mà cứ chấp nhắc quá khứ. Mà chẳng phải tất cả chuyện này đều do mày lựa chọn sao? – Ông Năm nhìn Trọng quở trách.

Vừa nghe hai từ “quá khứ”, Hương cúi gằm mặt, còn Trọng trở nên bực bội. Cha xứ dễ dàng nhận ra sự thay đổi ấy, ngài thận trọng lên tiếng:

- Anh Trọng, anh tỉnh rượu chưa?

- Dạ rồi! – Trọng đáp có vài phần kiêng nể.

- Anh biết vì sao hôm nay tôi đến nhà anh chị không?

- Dạ biết... 

- Anh biết gì, nói tôi nghe?

Vị linh mục già từ tốn, ông Năm nén những tiếng thở dài thành những cái lắc đầu, thằng bé con đứng sát vào Mẹ. Tất thảy đều chờ câu trả lời của Trọng. Trọng ấp úng:

- Dạ, vì con... Do con...Con đã...Tại con...

- Anh có gì cứ nói, sao lại ấp úng thế... - Vị linh mục già kiên nhẫn.

- Thưa Cha, lỗi không phải ở chồng con...lỗi là ở con…

Mọi ánh mắt đổ dồn về Hương, người vừa thốt ra câu nói ấy. Trọng sửng sốt. Cách đây vài phút anh còn nghĩ chính Hương nhờ người mời Cha xứ đến để răn dạy anh nhưng bây giờ anh thực sự không hiểu tại sao người bị anh mắng chửi lại lên tiếng bênh vực anh. Vị linh mục già cùng chung suy nghĩ như anh, đôi chân mày chau lại lộ vẻ khó hiểu, ngài từ tốn nói:

- Tôi mới về đây nhận xứ, còn nhiều chuyện chưa biết, chị có thể trình bày rõ hơn không?

- Thưa Cha, trước khi anh ấy lấy con, con đã...không còn là…con gái.

Hương nhục nhã cúi đầu. Bất giác Trọng cảm thấy áy náy, chẳng phải mọi lời mắng nhiếc của anh đều vì muốn thấy Hương phải nhục nhã như thế này sao? Sao bây giờ anh lại thấy day dứt quá. Vị Linh mục đăm chiêu hồi lâu, ngài thả dãn các nếp nhăn hằn dấu tuổi tác, nhìn Hương thông cảm:

- Không còn là con gái....Tôi hiểu rồi. - Ngài quay sang Trọng. - Anh Trọng, anh có biết việc này không?

- Dạ…biết...- Trọng nuốt nước bọt, miệng anh đắng ngắt.

- Vậy tại sao anh còn lấy cô ấy làm vợ để rồi bây giờ lại ra nông nỗi này – Khuôn mặt vị Linh mục đanh lại, nghiêm nghị như một thẩm phán.

- Vì ngày đó con …yêu Hương. Hơn nữa, trong chuyện này...Hương cũng chỉ là….người bị hại. 

Ba tiếng “người bị hại” vang lên với cả lòng thương cảm. Hình ảnh người con gái hiền lành, thương cha mẹ nghèo khổ, lên Sài Gòn mưu sinh, không may bị kẻ xấu hãm hại, mất đi trinh tiết cả đời hiện lên sắc nét cứa vào tâm trí Trọng. Vì yêu, Trọng không trách Hương. Ngược lại, anh càng yêu cô hơn. Bỏ qua mọi ngăn cản của gia đình, anh quyết định lấy Hương về làm vợ, rồi cũng chính anh chấp nhận cho con bé, con của một người đàn ông khác, ra đời. Nghe có vẻ vô lý nhưng ngày đó anh rất tự hào về những việc anh làm, những việc mà theo anh người Công giáo nào cũng phải nên làm. Bây giờ nhớ lại, Trọng cảm thấy khó xử. Trong chuyện này, thực sự Hương không có lỗi, nếu có thì lỗi là ở chỗ ngoài gia đình hai bên, không còn ai biết những điều Trọng đã làm cho Hương, ngược lại họ còn nghĩ anh là thằng tồi “ăn cơm trước kẻng”. Chẳng lẽ đây là nguyên cớ trong mỗi cơn say anh mắng chửi Hương?



Á! Ba ơi! Đau quá! Hu hu...

Tiếng con bé hét lên cùng lúc tiếng cốc rơi vỡ xé tan suy nghĩ anh. Anh bừng tỉnh chạy đến bế nó. Một mảnh kính vỡ xóc vào chân nó, rướm máu. Con bé mếu máo khóc, thằng em cũng mếu máo khóc theo. Hương mở ngăn kéo lấy hộp y tế định rửa vết thương cho con nhưng Trọng không cho, anh muốn tự mình làm. Con bé vừa khóc vừa ghì chặt cổ anh. Cha xứ và ông Năm hơi bất ngờ rồi bình tĩnh lại ngay. Trọng nhẹ nhàng gỡ mảnh thủy tinh ra, dùng oxi già sát trùng vết thương, vừa làm anh vừa dỗ dành: 

- Con gái ba giỏi lắm, ráng chịu đau xíu nghe con. 

Băng bó xong, Trọng quay sang quát Hương:

- Sao cô bất cẩn thế, có quét mấy mảnh kính thôi cũng không xong...

- Sao mầy đổ lỗi hết cho nó, nếu mày không say xỉn đập phá và con bé không đi pha trà gừng giải rượu cho mày thì làm gì có chuyện này xảy ra! - Ông Năm lên tiếng. 

Trọng im lặng, trong chuyện này đúng là lỗi của anh. Ông Năm vẫy tay về phía con bé:

- Hoài Thương, lại đây với nội đi con?

Cái tên Hoài Thương vừa vang lên, tim Trọng giật thót. Có gì đó nhói trong lòng anh: ngày xưa chính anh đặt cho nó cái tên ấy với ý muốn nói: Hoài Thương: dù thế nào ba cũng yêu thương con... Bao nhiêu ký ức ùa về: anh nhớ lúc mới sinh, nó còn bé tí đã vòi tay anh. Một tuổi mọc răng, nó lên cơn sốt anh thức trắng đêm dỗ dành. Lớn hơn chút nữa, nó biết rót nước mời ba mỗi khi ba đi làm về. Đối với nó, ba là nhất, có chuyện gì nó cũng gọi ba đầu tiên, như lúc dẫm phải mảnh kính chẳng hạn. Tự dưng sống mũi anh cay cay. Vậy mà anh làm gì thế này? Anh đánh mắng mẹ nó cũng là gián tiếp làm tổn thương nó. Anh nói yêu thương nó mà chính anh đang bóc dỡ từng viên gạch hạnh phúc của gia đình này. Tất cả do đâu? Chẳng lẽ vì cái sĩ diện ấy, cái sĩ diện đàn ông với đám chiến hữu trên bàn nhậu. Đúng rồi, chính nó, chính là cái sĩ diện ấy đã đẩy gia đình anh đến tình cảnh này. Anh sai, anh sai thật rồi. Trong cơn tự hối, anh nghe tiếng hai đứa trẻ gọi anh: “ba ơi!”. Anh như bừng tỉnh và có thêm động lực. Bằng một cách xúc động nhất, anh lên tiếng xin lỗi vợ con trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Không ai hiểu chuyện gì vừa xảy ra, mọi thứ trở nên im lặng. Rất lâu sau đó, Cha xứ mới lên tiếng:

- Anh Trọng, anh bình tĩnh lại chưa?

- Dạ rồi! – Anh trả lời hiền lành đến lạ.

- Vừa rồi tôi thấy anh biểu hiệu rất lạ, anh có chuyện gì sao? 

- Dạ, thưa Cha, con biết con sai rồi, con sẽ không vì sĩ diện của mình mà mắng chửi vợ con nữa, thưa Cha!

- Tôi vẫn chưa hiểu lắm, anh có thể nói rõ hơn xem. 

- Dạ được, nếu Cha muốn biết thì con xin kể nhưng chuyện này bắt đầu không phải hôm qua hôm kia nhưng là vài tháng trước. 

“Sau đợt lũ lụt năm ngoái, mùa màng mất trắng, tết nhất lại sắp đến nơi, con và một số anh em bàn nhau lên thành phố kiếm sống. Nhờ người quen giới thiệu, chúng con được nhận vào làm trong một công trình. Công việc không nặng nhọc lắm nhưng phải thường xuyên xa nhà. Lúc đầu cũng hơi nhớ nhưng sau đó quen dần. Chiều chiều, sau ca làm, anh em ngồi lại với nhau làm vài ly giải mỏi. Có hôm rượu vào ngà ngà, Tư Sẹo hỏi con:

- Anh đi làm xa để vợ ở nhà không sợ à? 

- Ai chứ Hương tôi không lo. – Con đáp. 

- Không lo, không lo mà phải nuôi con thằng khác. – Tư Sẹo cười mỉa. 

- Ý anh là sao? – Con hỏi lại.

- Anh tưởng chuyện xảy ra ở Sài Gòn anh giấu mãi được sao? 

- Là đàn ông, có gì anh cứ nói thẳng ra đừng vòng vo thế. 

- Tôi muốn nói đến quá khứ của vợ anh đấy. Chẳng lẽ anh không biết?

Biết là Tư Sẹo đang ám chỉ Hương, con xuống nước biện hộ:

- Vợ tôi chỉ là người bị hại

- Bị hại...Bị hại thế sao anh không bỏ quách cái thai đi. 

- Đó là sát nhân, là giết người đấy anh biết không, Thiên Chúa không cho phép chúng ta làm điều. – Con nóng nảy quát.

- Chả có Thiên Chúa nào không cho phép cả. Người ta vẫn làm đầy ra đó. Chỉ có anh, anh là thằng ngu, không ăn ốc mà phải đổ vỏ, hay có khi nào là anh bị yếu sinh lý nên phải nhận nuôi con thằng khác, biết đâu thằng nhỏ kia cũng không phải là con ruột anh. 

Rõ ràng Tư Sẹo cố khiêu khích con mà. Động chạm sĩ diện, không kiềm chế được nữa, con và hắn đã xảy ra ẩu đả. Cũng từ dạo đó, Tư Sẹo đi rêu rao khắp nơi, cả công trường ai cũng bàn tán về con. Buồn đời con lao vào nhậu nhẹt, mỗi khi say, con lại trút hết lên Hương. Con đúng là một thằng tồi...”

Trọng đấm mạnh vào ngực mình. Mọi người im lặng. Không ai ngờ đằng sau câu chuyện người đàn ông say xỉn đánh mắng vợ con lại còn một câu chuyện khổ tâm như vậy. Ấy mới biết muốn sống cho tròn đạo Chúa đâu phải việc dễ dàng và có những việc phải nhắm mắt thì nhìn mới rõ. Cha xứ im lặng hồi lâu rồi trầm giọng nói:

- Anh Trọng này, anh đừng tự trách mình nữa, anh biết sai và sửa sai là tốt. Hơn nữa, trong chuyện này không hoàn toàn là lỗi của anh, đó cũng là ý Chúa. 

Mọi người, kể cả ông Năm đều ngạc nhiên. Cha xứ điềm đạm giảng thích:

- Anh thử nghĩ xem nếu không có người đàn ông đã hại Hương ngày đó và quan trọng hơn nếu anh can đảm sống theo lề luật Thiên Chúa khi quyết định giữ lại cái thai, liệu bây giờ anh có con bé dễ thương như thế này không?

Mọi người sửng sốt nhìn con bé. Còn con bé thì còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang diễn ra. Cha xứ nói tiếp:

- Con cái là quà tặng của Thiên Chúa, với anh chị, Thiên Chúa đã chọn cách đặc biệt hơn. Ngài trao ban món quà quý giá ấy bằng cách để anh tự chọn lựa và kết quả của những lựa chọn ấy chính là hôm nay. Tất cả đều do anh chị tạo nên. – Ngừng đôi lát, bằng một giọng vui tươi cha xứ nói tiếp. - Anh chị thật đáng ganh tị, con bé nhà anh chị thông minh lắm, thấy anh đi nhậu về đập phá đồ đạc, nó biết chạy đến nhờ ông nội đến giúp kia đấy.

Nghe những lời ấy, mắt Hương đỏ hoe, còn Trọng thấy sống mũi cay cay. Hóa ra bấy lâu Thiên Chúa trao ban cho anh món quà quý giá như vậy mà anh không hề hay biết. Trong lúc xúc động, anh quỳ xuống, mở rộng vòng ta về phía con, giọng anh run run:

- Hoài Thương, Gia An, lại đây với ba đi con. 

Hai đứa dường như quên hết mọi chuyện trước đó, vô tư chạy đến ôm chầm lấy ba. Thằng cu con thỏ thẻ:

- Ba ơi, ba đừng làm mẹ khóc nữa nhen ba. 

- Ừm, ba biết rồi!

- Ba hứa đi ba! – Con bé nụng nịu.

- Ừm, ba hứa. 

Ông Năm vui mừng cũng chêm vào một câu:

- Tụi bay cứ như vậy không phải hạnh phúc hơn sao!

Chợt nhớ ra việc gì đó, cha xứ nói tiếp: 

- À, anh Trọng này, sắp tới dịp kỉ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, tôi định sửa lại hang đá cũ ở vườn sao, nghe ông trùm xứ bảo tay nghề anh khá lắm hay anh về đây phụ tôi một tay được không? 

- Dạ, con cũng vừa định xin nghỉ việc ở công trường tìm việc khác gần nhà để thuận tiện chăm sóc vợ con. Giờ Cha nói vậy thì còn gì bằng. Con cảm ơn Cha. – Trọng nhìn Hương vui mừng ra mặt. 

- Anh đừng cảm ơn tôi, nếu cần cảm ơn thì anh cảm ơn Đức Mẹ kia kìa. 

Mọi người cười ồ lên trước câu nói hóm hình mà đầy ẩn ý của Cha xứ. Mọi việc xem như đã ổn, Cha xứ xoa đầu hai đứa trẻ, tạm biệt gia đình rồi ra về cho kịp giờ kinh tối. Ông Năm cùng con cháu tiễn Cha ra tận cổng. Họ đứng chờ cho bóng cha khuất hẳn rồi mới vào. Chợt Hương sửng sốt nhìn, cô thấy trong bóng dáng chiếc áo chùn đen thấp thoáng tà áo choàng Đức Mẹ phủ xuống. Vừa lúc ấy chuông chiều kịp đổ những hồi đầu tiên.