Mã số: 17-147
- Thế tóm lại anh có chịu đi không?
- Dạ, lạy cha, con không ngại bất cứ việc gì, nhưng việc này thì…
- Chứ ở đây anh không chịu đi thì ai đi?
- Nhưng thưa cha…
- Ý anh là tôi đi à, thế anh thay tôi quản Xứ nhé?
- Dạ, lạy cha, con không dám, ý con là…
- Thôi không nói nhiều, cho anh thêm mười phút để suy nghĩ. Nhớ! Đây là lệnh, không còn là chuyện thương lượng, xung phong gì nữa nhé…
Cha Xứ bước ra cửa. Phòng họp Giáo lý viên nhốn nháo. Chiến ngồi thừ người ra, mặt tái xanh tái xám. Là “lệnh” rồi nhé, coi như “xong”, còn bàn với cãi gì nữa!
- Ông hơi bị liều nhé, dám cãi cả Cha…
- Thôi, “vâng lời hơn của lễ”, mà Cha nói rồi đấy, ông không đi thì ai đi…
- Ông làm gì mà căng thẳng thế, cứ như Chúa đi chịu nạn không bằng ấy…
Chiến quay ngoắt lại:
- Ông nào vừa nói câu đó, ông nào nói?
- Là tôi, là tôi đấy!
- Ông giỏi thì đi đi, sao lúc nãy cha bảo “tinh thần xung phong” không thấy cánh tay ông giơ lên…
- Tôi mà giỏi như ông, được tín nhiệm như ông thì khỏi phải bàn luôn ấy…
- Hừ…
Chiến nghẹn giọng, anh lảo đảo bước ra cửa cho thoáng chứ cái phòng này ngột ngạt không thở nổi. Phía trước anh là tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chiến lại gần, “Lạy Mẹ, xin cứu giúp con”. Bỗng “bộp”, một bàn tay vỗ vào vai anh: “Muốn Mẹ giúp thì ông phải tự cứu mình trước đã”, ra là ông bạn nối khố đang phụ giúp nhà thờ trông coi xe.
- Ông biết gì mà nói…
- Tôi bó tay với mấy Giáo lý viên nhà ông. Có mỗi chuyện cử người sang Tin Lành học hỏi thêm cách dạy Giáo lý và truyền giáo mà cứ đùn đẩy nhau, ông bà cũng nào sợ mất phần Nước Trời. Nghĩ xem, ông sang bên ấy nhỡ có bị “dụ dỗ” rồi theo Tin Lành luôn thì cũng đâu phải vấn đề lớn? Cùng tin một Chúa thì cũng về cùng một Thiên Đàng thôi, đi đâu mà sợ? Bên Tin Lành chẳng phải cho rằng: Một khi lãnh nhận Phép Rửa là đã có phần phúc Nước Trời, chỉ cần sống sao cho phải, vậy các ông theo Tin Lành “cho khỏe”, đỡ lăn tăn. Mai mốt “Đại Kết”, “họ” cũng như “ta”, “ta” cũng như “họ”. Các ông làm như “ta” và “họ” ở hai chiến tuyến ấy, không có tinh thần hiệp nhất vậy đến đời nào mới “Đại Kết” được! Đùa chứ chuyện này mà để bọn con nít biết, nó chả cười cho, lúc đó đừng bảo các ông các bà không dạy dỗ được tụi nó nhé…
- Ơ…
Chiến rùng mình. Tiết trời đang hơn ba mươi độ nhưng anh run lên. Cái ông bỏ học từ thời tóc để chỏm mà nói có lý. Lão Ngoan Đồng (*) này đã từng “qua bển” hay chẳng qua là “điếc không sợ súng”? Ừ cũng hay, sang giao lưu với người Tin Lành mình cứ “giả điếc” thì sợ gì họ “dụ”. Chiến vươn vai, hít thật sâu, vờ lừ mắt nhìn ông bạn nhưng lòng thầm nói cảm ơn. Anh quay lại phòng họp với tinh thần hoàn toàn khác. Mình là Chiến cơ mà, sợ gì! “Ông bạn vàng” nói đúng: đến với Chúa mà còn sợ thì dám đi đâu!?
***
Ngày bé Chiến giỏi Giáo lý lắm, anh được gán cho biệt danh “Chưa khảo đã biết Ưu rồi”, chả là mấy lần thi Giáo lý anh đều xếp hạng nhất, có lúc hơn xa điểm người về nhì. Khi trưởng thành, anh từ chối làm Giáo lý viên vì này vì nọ, Cha Xứ thời ấy cũng nổi cáu: “Chứ ở đây anh không làm thì ai làm”. Vậy nên vụ này họp bàn như thật chứ thực ra đã ngầm chỉ định anh đi tiên phong rồi. Nói gì thì nói, bên Tin Lành cũng nổi tiếng về truyền giáo, đứng xa nghe còn được chứ ở gần là bị thuyết phục rồi theo Tin Lành hết. Bao người bên Phật Giáo còn cải đạo huống là người vốn đã tin Chúa như mình. Cử người tiên phong phải “chắc” kẻo lại mất một giáo dân chứ chẳng chơi, mà phải biết ăn nói thế nào không thì ngáo ngáo ngơ ngơ mang tiếng người Công Giáo, còn là Giáo lý viên nữa chứ! Ôi sao mà không can đảm nổi, tử vì đạo có khi còn dễ hơn…
Chiến đang miên man suy nghĩ thì Cha Xứ quay lại, trên tay ngài cầm một cuốn sách “trắng trắng vàng vàng”. Bên cạnh có tiếng thì thầm:
- Quyển này Cha Xứ quý lắm, có chữ ký tươi của Đức Cha đó!
- Sao ông biết, đã đọc được dòng nào chưa?
- Cha có cho cũng chịu không đọc được, tiếng Anh á!
- Hừ, thế mà cũng nói như thật…
- Thì tôi mới xem qua, thấy cha bôi đỏ bôi xanh vào, chắc mấy đoạn quan trọng…
Cha Xứ thấy mặt Chiến tươi tỉnh chứ không xám xịt như lúc nãy, ngài thoáng vẻ ngạc nhiên, tủm tỉm cười:
- Vậy là quyết rồi nhé! Cha cho mượn quyển này làm “kim chỉ nam”, không sợ lạc đường đâu…
Lại có tiếng thì thầm:
- Cha ưu tiên thế, sướng nhé!
- Mọt sách được sách quý, thật là…
Chiến bật cười:
- Thế ai muốn được ưu tiên thì tôi nhường…
Mấy đồng nghiệp ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Rời phòng họp, Cha Xứ còn kéo anh lại dặn dò: “Con chịu khó dịch, mấy phần quan trọng cha đã đánh dấu, những từ khó cha cũng đã tra giúp rồi. Con gắng học cái hay, cái tốt ở bên ấy rồi về truyền đạt cho anh em, nâng cao khả năng giảng dạy, giúp bọn trẻ yêu thích Giáo lý, bớt những đam mê sai lạc, ra bên ngoài không sợ mất Đức tin. Cha sẽ email cho con toàn văn Tông huấn ‘Niềm vui của Tin Mừng’ để nghiên cứu thêm…”
Chiến vừa mừng vừa lo. Mấy ai, mấy khi được Cha Xứ ưu tiên, quan tâm thế, nhưng anh cũng thấy trách nhiệm thật nặng nề. Lỡ dại, nói như Lão Ngoan Đồng, anh theo Tin Lành luôn thì mất công Cha bỏ chín mươi chín con chiên của Xứ lại, đi lôi về…
Nhờ trợ giúp của “Giáo sư Google”, Chiến cũng nắm được đại ý cuốn sách. Anh rất thích cách giải đáp Giáo lý đức tin rõ ràng, mạch lạc nhưng không khô khan trong đó. Cuốn sách này tuy bọn trẻ khó lĩnh hội được, nhưng bố mẹ và các Giáo lý viên đọc rồi làm rõ nghĩa, truyền đạt cho chúng thì hay quá. Đáng tiếc là chưa có sách Tiếng Việt, mà dịch xong in ra chắc đắt tiền lắm. Cuốn sách hơn bốn trăm trang, là sách Giáo lý nên chẳng thể đọc trong ngày một ngày hai được.
“Tinh tinh”, có email, ra là Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” Cha Xứ vừa gửi. Lạy Chúa tôi, một trăm sáu mươi bảy trang, riêng phần chú thích đã lên tới hai trăm mười bảy mục, biết khi nào mới đọc hết, lướt lướt qua vậy. À ha, “Giáo sư Google” tuyệt quá - Chiến reo lên - có hẳn Tổng lược chỉ hơn ba trang, đọc cho nhanh vậy. Thôi tạm, “sang bên kia” có gì mình “tùy cơ ứng biến”.
***
Lễ nhà thờ Tin Lành bắt đầu lúc chín giờ bốn mươi nhăm phút nhưng Chiến đến sớm cả tiếng để thăm dò, không ngờ nhiều người đã có mặt, họ quây thành từng nhóm để thảo luận. Chiến nhủ thầm “chẳng bù Xứ mình, mười phút tập hát trước lễ còn vắng hoe, sát nút giờ mới chen nhau vào…”. Chiến đi một vòng quanh ngôi nhà thờ nhỏ bé đơn sơ, không khuôn viên vườn hoa và dĩ nhiên, không có tượng Đức Mẹ. Đang nghiêng ngó, Chiến nghe có tiếng gọi, một người đàn ông tầm tuổi anh, giọng trầm ấm:
- Hình như anh là người mới?
- Dạ… con… dạ… tôi. Nói thật với anh tôi là người Công Giáo. Tôi sang đây tìm hiểu thêm về Tin Lành…
- Ồ ồ - Người đàn ông tròn mắt ngạc nhiên - Hoan nghênh, hoan nghênh. Có lẽ anh là người Công Giáo đầu tiên đến đây ấy!
Sau phút lúng túng, Chiến tĩnh trí lại. Anh “có bản lĩnh” mà! “Tiên hạ thủ vi cường”, Chiến “vào đề” luôn:
- Nhà thờ đơn sơ quá, không thấy ảnh tượng gì cả?
- Ồ, tưởng anh biết rồi, chúng tôi không thờ ngẫu tượng.
- Ngẫu tượng? Vậy thiết nghĩ treo ảnh người thân trong nhà, để trong ví cũng cấm kỵ sao?
- A…
Người đàn ông há hốc miệng với kiến giải của anh, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, cười nhẹ:
- Anh có vẻ thích tranh luận nhỉ (lại cười), tôi là Hòa.
- Tôi là Chiến - anh chìa tay ra.
- Haha, là Chiến, là Chiến, biết ngay mà!
Chiến cũng bật cười. Quả là “kỳ duyên”, mới gặp đã tranh luận không khoan nhượng như bè bạn lâu năm, hai cái tên cũng đủ nói lên rồi!
- Mua Kinh Thánh ở đâu anh nhỉ?
- Ở nhà sách ngay bên cạnh, nhưng Chúa nhật nghỉ… À, tặng luôn anh quyển của tôi, còn mới đấy!
Chiến ngạc nhiên. Anh từng nghe người Tin Lành thân thiện, hiếu khách nhưng tặng luôn quyển Kinh Thánh ngay khi gặp mặt thì vẫn bất ngờ. Chiến vội mở ba lô, đưa quyển Tân Ước cho Hòa:
- Tôi cũng tặng anh, để còn so sánh và tranh luận. Nói thật với anh là bên tôi tìm quyển Cựu Ước khó lắm…
Hòa dường như cũng cảm thấy ông bạn mới rất thú vị, chẳng ngại ngần tranh luận. Chiến đã “soạn giáo án” rất kỹ nên hoàn toàn không lép vế trước những “đòn tấn công quyết liệt” từ Hòa, nhưng trong lòng anh vẫn thầm khâm phục sự uyên bác của đối phương, anh ta thậm chí nhớ từng câu, từng chữ trong Kinh Thánh. Chiến biết nội dung còn việc Hòa bảo trích dẫn từ sách nào, đoạn mấy, câu bao nhiêu thì anh chịu chết. Quả là anh em Tin Lành “đáng sợ như trong truyền thuyết”, mình đã “chuẩn bị bài” kỹ, còn được Cha Xứ “trang bị đến tận răng” mà vẫn ở thế hạ phong…
Vào lễ, Chiến cảm nhận sự khác biệt lớn. Lễ thờ phượng của Tin Lành tựa như “tiệc Thánh Ca” xen lẫn với Công vụ, xu hướng “trần tục hóa” chứ không “thánh hóa” như Thánh lễ Công Giáo (phải chăng do nhà thờ Tin Lành không có sự hiện diện của Thánh Thể Chúa?). Giờ Giảng luận, Chiến ngỡ ngàng trước lời của vị Mục sư, đoạn dụ ngôn “Đứa con hoang đàng”.
“Theo lẽ thường, chúng ta vẫn cho rằng đứa con hoang đàng là người em hư hỏng nhưng không hẳn vậy. Người em hoang đàng một thì người anh hoang đàng mười. Anh ta ở với Cha Nhân Từ bao năm mà chẳng hiểu Cha. Dù cha ra năn nỉ, anh ta vẫn giận, không thèm vào nhà gặp em. ‘Một giọt máu đào hơn ao nước lã’, dù em có sai lầm thì cũng nên bao dung cho tuổi trẻ lầm lỡ, nhất là khi nó biết sai mà trở về. Trang trại, nhà cửa, gia súc - tất cả những gì của Cha cũng là của anh rồi, nhưng anh lại tiếc một con bê, không muốn chia sẻ cho đứa em ruột thịt. Câu ‘còn đứa con của cha kia’ vô hình chung đã gạt chính anh ta ra khỏi Nhà mình…”
Chiến choáng, anh chưa từng nghe “người em hoang đàng một thì người anh hoang đàng mười”. Lâu nay, như một thói quen, anh thường viện dẫn đứa em trong dụ ngôn này dạy dỗ học sinh hư, không hề nhắc đến người anh. Chiến ngầm định, tuy người anh có phần ích kỷ, hẹp hòi nhưng phản ứng của anh ta là tự nhiên và “có lý”. Phải chăng tụi trẻ vì sợ mà không đứa nào dám phản biện?! Chúng nó bây giờ nhanh khôn lắm, biết đâu có đứa đã ngộ ra và bấm bụng không phục? Bỗng anh nhớ đến câu nói của một học giả Tin Lành: “Đã đến lúc người Tin Lành trở về nhà”. Một đứa con, vì lý do nào đó mà rời bỏ nhà mình liệu có muốn về không khi chưa giải quyết được những khúc mắc đã khiến nó ra đi, khi thái độ đón tiếp của người nhà y hệt thái độ của ông anh kia? Chiến chợt buồn khi nhớ đến câu chuyện Hòa kể trước lễ…
Chuyện là, Hòa đến nhà thờ Công Giáo, anh hỏi thăm người đứng cạnh, cũng thẳng thắn như Chiến, giới thiệu mình theo Tin Lành, thế là người đó bảo: “Vào xem lễ chứ đừng tuyên truyền cho đạo Tin Lành và chớ có phát tờ rơi ở đây nhé, cũng không chụp ảnh này nọ nha bác”, rồi chỉ trỏ với mọi người thế này thế kia, cứ như anh là Ông Ba Bị vậy, làm anh liên tưởng chuyện năm xưa ông Gandhi đến nhà thờ của người da trắng, cảm giác mình bị đề phòng hơn cả người Ngoại. Từ đó anh không đến nhà thờ Công Giáo nữa…
***
Tuần sau, Chiến vừa đến đã thấy Hòa ra “nghênh đón”:
- Thế nào, hôm nay chủ đề gì nhỉ?
- Các phép Bí tích nhé!?
Chiến cười, không ngờ ông bạn mới này lại chủ động “khiêu chiến”, anh chọn ngay đoạn Giáo lý thuộc nằm lòng. Tuy thế, lắm lúc Chiến “đứng hình” trước những kiến giải của Hòa. Về Bí tích Giao Hòa, Hòa cho rằng “Chúa Giê-su không cầm tội ai, kể cả người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình, vậy chẳng thể có chuyện Ngài truyền cho sứ đồ của mình cầm tội người ta, mà cũng chỉ có Đức Chúa Trời có quyền tha tội (Mác, 2:1-12). Trước Chúa, người ta mới giải bày hết tâm tư chứ với người khác thì dễ gì khai ra lỗi phạm điều răn Năm, Sáu, Bảy, mà giấu tội thì càng tai hại (Châm ngôn, 28:13)”. Về Bí tích Thêm Sức, Hòa nói “Đã nhận đủ Thần Khí Thánh khi lãnh phép Báp-Tem (**) rồi”.
Chiến cũng có lý lẽ của mình, anh viện dẫn câu “Hãy nhận lấy thần khí thánh. Nếu anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, còn nếu anh em không tha tội cho ai thì tội người ấy chưa được tha” (Giăng, 20: 19-23), nhưng Hòa cho rằng đó chỉ là sự tha thứ cho nhau theo ý kinh Lạy Cha, không có ý truyền lại quyền tha tội cho các sứ đồ. Chiến hiểu, làm sao thống nhất được với Hòa khi Kinh Thánh Tin Lành có nhiều điểm khác Kinh Thánh Công Giáo, do vậy anh chỉ tranh luận “có chừng mực”, bởi “tìm điểm chung thì nối kết, tìm điểm khác sẽ chia xa”.
Cứ thế, Chiến lui tới Hội thánh Tin Lành nhiều hơn, không chỉ Chúa nhật và các giờ học Giáo lý, anh còn tham gia các cuộc đi thiện nguyện song hành truyền giáo đến những vùng sâu, vùng xa. Anh trộm nghĩ: “Một số người bài xích người Tin Lành cho bánh để dụ dỗ người ta theo, nhưng cho người ta no thỏa cả thân xác lẫn linh hồn thì không tốt sao? Dù có người ăn no rồi chẳng theo nữa cũng là làm việc thiện. Như dụ ngôn người gieo hạt, có hạt bị chim trời ăn mất, có hạt lên cây bị gai bóp nghẹt, nhưng chẳng phải có những cây được hạt hai mươi, ba mươi đó sao. Gieo hạt dù gì cũng mang lại hy vọng và cái được sẽ nhiều hơn cái mất, còn ngại ngần, sợ này sợ nọ không gieo, thì sẽ chẳng nhận được gì”.
Qua những chuyến đi đó, Chiến nhận ra: không phải mọi tín hữu Tin Lành đều “gai góc” và ưa tranh luận như Hòa. Có người sắc lẹm như dao cạo, có người mềm mỏng như lạt buộc, cũng có người ngô nghê nhưng chân thành dễ làm người ta lay động. Người Tin Lành tâm niệm Kinh Thánh là viên kim cương hoàn mỹ mà mỗi tín hữu là một mặt cắt, nhưng Chiến có cảm giác ánh sáng lóng lánh từ những mặt cắt đó dường như bị tán xạ, không hội tụ về một điểm, phải chăng là do thiếu định hướng chính thống? Ồ! “Chính Thống”! Không biết Giáo lý đức tin của họ thế nào, tại sao Chính Thống giáo chỉ chủ yếu ở Nga-Xô và vài nước Châu Âu? Còn Anh Giáo nữa? Vẫn biết một cành cây được chiết ra, dẫu thành Cây Con và sớm trổ sinh hoa trái cũng chẳng thể lớn mạnh, bền vững như Cây Mẹ, hoa quả khó thơm ngọt bằng, song việc bị chiết đi nhiều cành cũng làm Cây Mẹ suy yếu. Nhưng một khi việc đã lỡ, điều cần làm trước mắt, là, chăm sóc Cây Mẹ thật tốt, vươn xa cành lá chở che các Cây Con và nối kết các Cây Con chặt chẽ với Cây Mẹ thành một khối vững chắc để vượt qua bão giông…
***
Chiến không ngại ngần chia sẻ với các học trò những trải nghiệm của mình. Anh cũng khuyến khích bọn trẻ giao lưu với các bạn Tin Lành, vì thực ra việc ngại tiếp xúc chỉ đơn thuần là vấn đề tâm lý. Bọn trẻ rất thích thú, chúng cởi mở hơn, đề đạt nhiều câu hỏi thú vị chứ không còn e sợ, giờ học Giáo lý trở nên vui tươi, giống hội thảo về Kinh Thánh hơn là những giờ học thuộc khô khan như ngày trước. Cha Xứ rất vui. Ngài lại cho họp Giáo lý viên, yêu cầu cử thêm người đi “tầm sư học đạo”, nhưng chẳng một ai chịu theo bước Chiến dù anh đã gắng sức làm “thuyết khách”. Thất vọng, ngài hạn cho đúng một tháng, nếu không ai chịu đi sẽ cắt cử luôn, cứ thế mà làm.
Chiến vừa rời phòng họp đã thấy Lão Ngoan Đồng đứng dưới tượng Đức Mẹ, tủm tỉm cười.
- Có gì vui đâu mà ông cười…
- Tôi lại cười mấy Giáo lý viên nhà ông. Chắc lúc Thêm Sức, các ông chỉ chăm chắm xin những ơn riêng cho mình, nào Một, Hai, Ba, Bốn; rồi cho rằng xin được Bảy cũng có nghĩa là đã có Sáu. Còn ơn Năm, là phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân thì chẳng ông nào xin cả!
- Hả? Mà ông thuộc “Bảy Ơn Cả” hồi nào vậy?
- Hừ, ông đừng khinh tôi, hai mươi năm nay các ông cho bọn trẻ đọc ra rả, tôi chả thuộc à. Ông nghĩ tôi “ngồi một chỗ chia ba thiên hạ” như Khổng Minh chắc? Hay ông thấy tôi giỏi lên cũng chính là ông đã kém đi, haha…
Chiến bàng hoàng nhìn theo bóng bạn. Không ngờ “nỗi xấu hổ mỗi kỳ thi Giáo lý” năm xưa lại vặn trái anh thế này. Hội Thánh, nếu thiếu “mạnh bạo”, không dám đi ra vì sợ đi lạc cũng giống một đất nước có nền kinh tế đóng kín, khó mà phát triển dù nội lực mạnh đến mấy. Vẫn biết “mở cửa” sẽ “trầy da tróc vảy” nhưng sẽ lớn mạnh, kiên cường hơn. Lão Ngoan Đồng quả không hề đơn giản! Cũng chính Lão vừa giúp anh ngộ ra: việc không tin nhận một số phép Bí tích tuy làm người Tin Lành vững tin những gì họ cho là Chân Lý, song vô hình chung đã lỡ mất nhiều Ân Sủng Chúa ban thông qua khí cụ của Ngài và không thể đo đếm theo kiểu“một cộng một bằng hai” hay“nói có lý” được, bởi Đạo chúng ta xuất phát từ “Một cộng Một cộng Một bằng Một”. Phải chăng Lão Ngoan Đồng mỗi ngày ở bên Đức Mẹ được thông ban nhiều Ân Sủng đã trở nên hiểu biết đến vậy, “nói câu nào chết câu đó”, giờ đây Giáo lý đức tin đã hơn xa anh rồi!
Chiến chưa kịp kể với Cha Xứ những điều anh vừa lĩnh ngộ thì bất ngờ Bề trên thuyên chuyển ngài sang xứ khác, thay thế bằng Cha Mới - là cựu sinh viên Đại học Xây dựng - để chuẩn bị xây lại nhà thờ. Việc cắt cử người đi “tầm sư học đạo” không còn ai nhắc đến nữa. Chỉ có Chiến vẫn qua lại với các anh em Tin Lành như một thói quen, dù anh phải “vắt chân lên cổ” luyện thi cấp tốc cho lũ trẻ kịp thi Giáo lý do đã lỡ “tổ chức hội thảo Kinh Thánh” hơi nhiều.
Cho đến một ngày…
Cha Mới giảng, có đoạn: “Ngày nay, truyền thông rất mạnh làm ta nhầm tưởng đã mắt thấy tai nghe mọi việc trên đời. Phải biết truyền thông là con dao hai lưỡi, cùng một video, một hình ảnh thì hai báo có thể đưa ra hai cái tin khác hẳn, thậm chí trái ngược nhau. Vì vậy, ta có thể nghe, nhìn nhưng cần biết chọn lọc, tránh trường hợp nghe sự rối đâu đó về kể bậy bạ cho anh em, sinh ra nghi ngờ Giáo lý của Hội Thánh, nghi ngờ các tín điều trong đạo, chẳng hạn các phép Bí tích Chúa đã truyền…”
Không ai bảo ai, mọi ánh mắt trong nhà thờ đều quay nhìn Chiến làm anh lạnh cả sống lưng, cúi gằm mặt xuống. Anh mường tượng đến cảnh Chúa Giê-su trước tòa Phi-lát, xung quanh hàng ngàn người hô to “Treo hắn lên cột” (Ma-thi-ơ, 27: 15-23) (***). Cảm giác tội lỗi ập đến khiến anh không dám lên rước lễ. Nặng trĩu lê bước về nhà, sau lưng anh là tiếng xầm xì: “Tôi cũng dặn cháu nhà tôi rồi, cái ông Chiến nửa Tin Lành này nói thì hay nhưng đừng nghe theo”…
Chiến thấy sao đường về nhà hôm nay xa thế, nhưng có lẽ, ngày những người anh em Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo trở về Ngôi Nhà Chung còn xa hơn rất nhiều…
(*) Lão Ngoan Đồng: Nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, tuổi già nhưng tính tình ngây thơ, hồn nhiên đến độ ngốc nghếch; lĩnh hội được rất nhiều môn võ công tuyệt thế nhưng hiếm khi dùng đến.
(**) Phép Báp-Tem: Tương tự Phép Rửa của Giăng Báp-tít (Gio-an Bao-ti-xi-ta) trên sông Giô-đanh (Gio-đan), tựa như Phép Rửa Tội (Công Giáo), nhưng chỉ người đã học hết Giáo lý căn bản của Tin Lành mới được lãnh nhận.
(***) Tên riêng:
- Ma-thi-ơ: Mát-thêu.
- Mác: Mác-cô.
- Giăng: Gio-an.
- Phi-lát: Phi-la-tô.
________________________________